Chính vì vậy, Bộ Công Thương kỳ vọng năm 2020 thương mại điện tử sẽ cán mốc 10 tỷ USD, chiếm 5% doanh thu bán lẻ.
Tạo nhiều đột phá
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm (cao gấp 2,5 lần so Nhật Bản).
Ngoài tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, các doanh nghiệp ứng dụng internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.
Cũng theo ông Đặng Hoàng Hải, trong 5 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là thị trường có mức độ tăng trưởng nhanh với quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có xu hướng tăng dần đều ở mức trên 20%/năm.
Cùng với đó, thương mại điện tử đã tạo bước đột phá bằng doanh thu của “Ngày mua sắm trực tuyến” là một trong những hoạt động thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 được Bộ Công Thương triển khai.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao kết quả sau 5 lần triển khai, chương trình đã có sự trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, thể hiện qua việc doanh nghiệp tham gia ngày càng đông; số lượng sản phẩm, đơn hàng và doanh số tăng trưởng qua mỗi năm.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng những giải pháp hướng đến người dân, người tiêu dùng, xây dựng niềm tin trong giao dịch thương mại điện tử nói riêng và xu hướng giao dịch số trong tương lai.
Khảo sát từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho thấy, sự thâm nhập cao của internet, các thiết bị di động và mạng xã hội đang ngày càng nhiều cá nhân tham gia vào thương mại điện tử. Trong số hơn 1.000 người được hỏi thì có tới 25% đã từng hoặc đang bán hàng trực tuyến.
Ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh, theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, thực tế thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ đang phát triển nhanh hơn với tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 25% trong năm 2017. Do đó, tới đây thương mại điện tử sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam.
Nhận định từ giới chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam đang xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới; đồng thời xếp hạng 22 về tốc độ phát triển số hóa. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang trong nền kinh tế số và lĩnh vực thương mại điện tử có triển vọng tiến xa hơn.
Vì vậy, thị trường thương mại điện tử cũng được mở rộng và đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của số hóa và công nghệ thông tin đã trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số nói chung cũng như thương mại nói riêng.
Hướng tới mục tiêu
Để đưa kim ngạch thương mại điện tử tăng mạnh trong năm 2019, ông Đặng Hoàng Hải khẳng định, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020.
Bên cạnh đó, Cục sẽ triển khai các đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 cũng là một giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng, mở rộng kênh phân phối và tìm kiếm những phân khúc thị trường mới nhằm tăng doanh số bán hàng, góp phần vào việc tăng kim ngạch thương mại điện tử chung của cả nước.
Riêng với “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020”, ngành sẽ tập trung vào nhóm giải pháp trọng tâm về hoàn thiện chính sách, pháp luật về thương mại điện tử; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử; đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển nguồn nhân lực; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thương mại điện tử...
Ông Đặng Hoàng Hải cũng lưu ý, doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt triển khai thương mại điện tử, Nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho lĩnh vực này phát triển. Vì thế, các chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng thương mại điện tử.
Đặc biệt, từ nay đến cuối năm Cục tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia cũng như một số đề án trọng điểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được triển khai.
Mặt khác, chú trọng phát triển các hạ tầng kỹ thuật cho thương mại điện tử, xây dựng giải pháp ứng dụng phù hợp cho doanh nghiệp và tổ chức một số hoạt động kích cầu thương mại điện tử cho người tiêu dùng nhằm tăng doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam, giúp doanh nghiệp bắt kịp với xu hướng công nghệ số toàn cầu.
Để khai thác mảnh đất nhiều tiềm năng này, nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là mắt xích quan trọng giúp thương mại Việt Nam phát triển. Đặc biệt, thương mại điện tử tương tác (social commerce) có nhiều triển vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2019 khi xu hướng này đang thu hút quan tâm của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, cần một hệ thống thể chế thuận lợi và đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng để tạo ra được hạ tầng kỹ thuật cho nền kinh tế số.
Bên cạnh những hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý doanh nghiệp phải tối ưu hóa mô hình kinh doanh và tập trung phát triển kỹ năng mới nhằm sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh cũng như có giải pháp để quản lý tài sản trí tuệ khi thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh trong thời kỳ mới.