Trong khuôn khổ Diễn đàn, phiên Hội thảo chuyên đề hiến kế về nông nghiệp với chủ đề “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế” diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh.
Hội thảo có sự tham dự của gần 300 đại biểu, đại diện cho các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước và quốc tế. Các kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo được tổng hợp, đưa ra báo cáo tại Phiên toàn thể của Diễn đàn vào chiều cùng ngày.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh nông nghiệp là ngành cung cấp những sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất của người dân, cũng là một trong những ngành được quan tâm hàng đầu, dù tỷ trọng đóng góp trong GDP ngày càng giảm, từ gần 40% những năm 1990 về dưới 15% tính đến hết năm 2018.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết, Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp để tăng cường liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp có lợi thế ở Việt Nam và thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế được mở với thị trường hơn 96 triệu dân trong nước. Thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này còn rất “mỏng", trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay, chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam hiện có 10 triệu hộ gia đình nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới.
"Ở Mỹ, một hộ có 500.000 ha chỉ hai vợ chồng làm. Còn ở quê tôi Thái Bình, chỉ có khoảng 2.000 - 3.000 m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh, có khả năng cạnh tranh cao, giai đoạn mới không chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần có vai trò hạt nhân trong phát triển nông nghiệp là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân", ông Cao Đức Phát nói.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tư nhân đã cùng thảo luận để đưa ra giải pháp tăng cường tính liên kết của các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt chuỗi sản xuất, giải pháp thực hiện số hóa và hình thành dữ liệu lớn với chuỗi nông, lâm, thủy sản.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính liên kết của các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua có bước tiến triển, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh; chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết. Hiện mới có 11-14% sản lượng nông nghiệp tiêu thụ thông qua liên kết là quá nhỏ. Trong chuỗi liên kết, quan trọng nhất là thực hiện theo các quy trình an toàn như VietGap, GlobalGap… song, tỷ lệ này còn khá thấp, chỉ khoảng 3-5%. Như vậy, tiềm năng còn rất lớn với hàng chục triệu ha nông nghiệp, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình liên kết trong nông nghiệp.
"Trong chuỗi liên kết, vai trò của người sản xuất rất quan trọng, đặc biệt là sản xuất phải theo tiêu chuẩn, quy trình đặt hàng của thị trường, người sản xuất mà không nhận thức được điều này thì sẽ rất khó khăn. Những hộ nông dân có quy mô quá nhỏ thường là liên kết không thành công. Trong tương lai, một mặt chúng ta phải đào tạo cho nông dân, mặt khác phải nâng cao nhận thức và tích tụ quy mô để giá trị tăng lên", ông Lê Đức Thịnh cho hay.
Các ý kiến cho rằng liên kết trong chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là tất yếu, không thể thiếu của các thành viên, hộ dân và hộ cá thể. Để liên kết được giữa các nhà, người nông dân phải có năng lực, phải tổ chức thành kinh tế hợp tác, bởi doanh nghiệp không thể làm việc với 10 triệu hộ nông dân.
Đề cập đến giải pháp thúc đẩy kinh tế hợp tác, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng cần sớm sửa Luật Hợp tác xã năm 2012, sửa Luật Đất đai để có cơ chế tháo gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất cho phát triển sản xuất nông nghiệp lớn, sớm nghiên cứu ban hành nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng hệ sinh thái đồng bộ trong chuỗi liên kết, nếu thiếu một mắt xích, liên kết khó thành công… Ông đề nghị đẩy mạnh xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chủ lực của địa phương. Bản thân các hợp tác xã phải đổi mới, nâng cao năng lực, trình độ quản trị để đáp ứng yêu cầu của hội nhập, liên kết.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn nông nghiệp United chỉ ra thực trạng hiện nay, nông dân trồng nông sản để bán và để ăn hoàn toàn khác nhau, hậu quả là thị trường rất lớn nhưng nông dân không có thị trường tiêu thụ. “Hiện đời sống người dân đã cao hơn, nên họ chấp nhận mua nông sản nhập khẩu với giá trị cao. Người nông dân vẫn trồng bằng phân hóa học, sản phẩm xuất khẩu bị trả lại. Như vậy là không ổn", ông nói.
Ông nêu thực tế, một số doanh nghiệp nâng giá cao nông sản để khuyến khích người dân trồng trọt nhưng lại hạ giá khi nông dân được mùa. Đồng thời, cũng có chuyện nơi nào mua giá cao, người dân sẵn sàng bán, gây khó cho doanh nghiệp đã đặt hàng trước.
"Tôi đề xuất đào tạo công nhân nông nghiệp vì kỹ sư nông nghiệp thiếu lăn lộn. Chúng ta có thể mở các lớp trung cấp nông nghiệp, chính quyền hỗ trợ người dân đi học chuyên về một loại cây, được cấp bằng lý thuyết, trực tiếp xuống đồng ruộng để thực hành, nếu đạt sẽ cấp bằng", ông Nguyễn Ngọc Dân đề xuất.
Ông cho rằng, chuỗi liên kết cần có yêu cầu cụ thể, có cơ chế và quyền lợi đi theo đối với các thành viên. Khi thành chuỗi, phân bón phải được kiểm soát, có bộ phận xác định chất lượng phân bón để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Xuân Trung cho rằng cần tăng cường vai trò của UBND các tỉnh, thành trong phát triển chuỗi, giám sát và hỗ trợ người dân tham gia chuỗi chặt chẽ hơn, có bảo hiểm giá, bảo hiểm rủi ro cho người tham gia chuỗi liên kết, tránh thiệt hại cho người dân, tránh tình trạng vùng quy mô nhưng không có nguyên liệu.