Tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu kinh tế năm 2020

Mặc dù nhận định kinh tế trong nước năm 2020 sẽ có nhiều khó khăn và thách thức nhưng với phương châm hành động: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả”, và sự điều hành quyết liệt trong những năm qua của Chính phủ cùng các yếu tố tích cực về kinh tế vĩ mô, môi trường chính trị ổn định..., Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm tin rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ đạt được mục tiêu 6,8% do Quốc hội đề ra.

Chú thích ảnh
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Để hiểu rõ hơn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này. 

Xin ông cho biết những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và những ngành, lĩnh vực nào khởi sắc giúp cho sự tăng trưởng này?

Năm 2019, kinh tế nước ta tạo được dấu ấn, bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng. Kinh tế vĩ mô ổn định, GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6-6,8%, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực thực hiện để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018, nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện như: Năm 2019, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế tăng 6,2% cao nhất trong các năm 2016-2019.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2019 đạt mức tăng khá 10,2%. Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong giai đoạn 2016-2019, tạo niềm tin của xã hội.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, năm 2019 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 516,96  tỷ USD, vượt mốc 500 tỷ USD, một năm ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt tới 17,7%, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (4,2%). 

Doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục 1,1 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây, dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp mới ra nhập thị trường.  Đặc biệt, năm 2019 đánh dấu thành công của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên 18 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Chất lượng du lịch đang có những cải thiện tích cực; Việt Nam tiếp tục giữ vững danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á" năm thứ hai liên tiếp do Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2019 bình chọn.

Với kết quả 12/12 chỉ tiêu đã đạt và vượt trong năm 2019, ngành thống kê đã có những đóng góp gì trong việc tham mưu cho Chính phủ để đạt được những kết quả trong điều hành kinh tế năm 2019, thưa ông?

Ngành thống kê luôn nhận thức thông tin thống kê kinh tế - xã hội là một trong những công cụ mạnh nhất để đánh giá tình hình, giúp cho Chính phủ, các bộ ngành và địa phương kịp thời đề ra các giải pháp quản lý điều hành nền kinh tế. Vì vậy, trong năm 2019, Tổng cục Thống kê luôn báo cáo kịp thời tình hình kinh tế - xã hội, lạm phát của nền kinh tế cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã dự báo, xây dựng kịch bản chi tiết về tăng trưởng kinh tế và kịch bản lạm phát; đồng thời cập nhật kịp thời hai kịch bản này dựa trên kết quả sản xuất và diễn biến giá cả của các quý trước, dự báo tình hình các tháng còn lại trong năm. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đã chủ động phân tích bức tranh kinh tế và tiềm năng kinh tế -  xã hội của 4 vùng kinh tế trọng điểm, giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tổ chức các Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm; đồng thời ban hành các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế trọng điểm này.

Cũng trong năm 2019, Tổng cục Thống kê đã đánh giá thực trạng năng suất lao động của nền kinh tế, tổ chức thành công Hội nghị Chính phủ về năng suất lao động quốc gia, từ đó Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia để các cấp, ngành thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Dự báo kinh tế thế giới năm 2020 sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Ông nhận định gì về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020?

Năm 2020 tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu có nhiều khó khăn, thách thức, các Tổ chức tài chính và kinh tế quốc tế đều cắt giảm dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nguyên nhiên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài. Thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt diễn ra gay gắt trong năm 2020.

Tuy vậy, với phương châm hành động năm 2020 của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả” và sự điều hành quyết liệt trong những năm qua của Chính phủ; với môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh, nền tảng kinh tế khá vững chắc, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang được phát huy; môi trường chính trị ổn định, an ninh, an toàn; chất lượng tăng trưởng tăng và hiệu quả vốn đầu tư được cải thiện. Việt Nam đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài; cộng đồng doanh nghiệp trong nước năng động, sáng tạo. Mặc dù, có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng tôi tin tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ đạt được mục tiêu 6,8% do Quốc hội đề ra.      

Với những thách thức, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn tồn tại, theo ông những yêu cầu nào cần đặt ra để phấn đấu trong năm 2020, góp phần thành công cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020?

Năm 2020, chúng ta cần nhận diện cơ hội và thách thức để có giải pháp đúng nhằm thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần tháo gỡ các nút thắt, phát huy tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế; trong đó tập trung vào 6 nhóm động lực có tính nền tảng cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 và các năm tiếp theo.

Theo tôi, trước mắt Chính phủ, các bộ, ngành cần hoàn thiện thể chế kinh tế nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, ít rủi ro, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát huy nội lực, tiếp cận nguồn vốn, phát huy sáng tạo, năng lực kinh doanh của khu vực cá thể. Chính phủ và các địa phương cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất của các thực thể trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển gắn với thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cơ sở cá thể hoạt động ổn định lâu dài và tuân thủ pháp luật.

Mặt khác, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế; tập trung thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân nhiều hơn, giải ngân hết vốn đầu tư công, hoạt động đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Đặc biệt, các ngành, các cấp tập trung nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, trong nền kinh tế vẫn còn tới 19,4 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Do đó trong năm 2020, cần có giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn để nâng cao năng suất lao động; đồng thời chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Cùng với chuyển dịch cơ cấu lao động, cần thực hiện các chính sách và giải pháp nhằm tăng năng suất lao động nội ngành.

Ngoài ra, các bộ, ngành cần tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quy mô dân số trên 96 triệu dân và số lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao sẽ là thị trường tiềm năng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2020.

Tiếp đến là nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ và các địa phương cần bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh nhằm thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ và các bộ, ngành cũng có các giải pháp đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4; đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Cuối cùng phải xác định đô thị hóa là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Xin cám ơn ông!

Thúy Hiền/TTXVN (Thực hiện)
Động lực cho tăng trưởng kinh tế 2020  
Động lực cho tăng trưởng kinh tế 2020  

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019 khép lại với xu hướng tăng trưởng khá tích cực của nền tảng kinh tế vĩ mô. Điều này được nhận định sẽ tạo đà đi lên trong năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN