Việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm tạo khung khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý đối với chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo dự thảo, Nghị định quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hàng năm; huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng có sự tham gia của cộng đồng người dân; cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức quản lý và giám sát đầu tư, đánh gia chương trình mục tiêu quốc gia.
Dự thảo Nghị định đưa ra các nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; trách nhiệm của bộ, cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền ở địa phương và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng với đó, dự thảo đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo các hoạt động hỗ trợ trong chương trình mục tiêu quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu, không gây ô nhiễm môi trường và thúc đẩy bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, dự thảo phát huy vai trò chủ thể và sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng đối với quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đặc biệt, dự thảo nghị định đảm bảo quản lý và sử dụng nguồn lực tập trung, tiết kiệm, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí; áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện một số nội dung, hoạt động có sự tham gia thực hiện của cộng đồng người dân hưởng lợi từ kế quả đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia.
Dự thảo Nghị định đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo Nghị định gồm 7 Chương, 43 Điều.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, các chương trình mục tiêu quốc gia được quản lý, điều hành qua các quy định tại Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Việc quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực như: kiện toàn thống nhất bộ máy quản lý, điều hành; chuyển từ lập kế hoạch thực hiện chương trình theo hàng năm sang lập kế hoạch theo trung hạn giai đoạn 5 năm; tăng cường cơ chế phân cấp trong huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện đảm bảo sự chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện…
Bên cạnh đó, cơ chế đặc thù trong quản lý xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã bước đầu tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp, từng bước trao quyền và nâng cao năng lực cho cấp xã trong thực hiện các dự án đầu tư có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, gắn liền với lợi ích của người dân, cộng đồng.
Song, tổng kết thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quá trình quản lý, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia cho thấy một số quy định còn bất cập, không còn phù hợp thực tiễn.
Đơn cử, phương thức cân đối, bố trí vốn chưa được thực hiện thống nhất theo chủ trương của Trung ương, đa số địa phương chưa chủ động cân đối ngân sách cấp tỉnh đối ứng đủ theo tỷ lệ quy định. Nhiều địa phương thực hiện ấn định phân bổ chỉ tiêu xuống ngân sách huyện, xã và chỉ tiêu huy động từ người dân để xác định nguồn vốn đối ứng.
Việc lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thực chất mới chỉ thực hiện được giữa các chương trình, dự án để huy động nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác lồng ghép nguồn lực có sự trùng lặp rất lớn giữa 2 chương trình mục tiêu quốc gia, dẫn đến phản ánh không chính xác hiệu quả của giải pháp này.
Việc quy định ban hành thiết kế mẫu cho những công trình nhỏ để áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý dự án đầu tư khó thực hiện tại các khu vực miền núi, có điều kiện địa hình phức tạp, không đồng nhất giữa các địa bàn thực hiện công trình…