Sau 14 năm kể từ khi Chính phủ có chủ trương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Việt Nam vẫn chưa định hình được những sản phẩm CNHT mũi nhọn. Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), doanh nghiệp (DN) trong nước chưa đón đầu được cơ hội từ việc các tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam.
Thiếu chế tài tăng tỉ lệ nội địa hóaNhững động thái gần đây của nhiều Tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel, Nokia… tăng vốn đầu tư mới và chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam cho thấy, nhu cầu về các linh kiện điện tử, thiết bị lắp ráp của họ là rất lớn.
Riêng Công ty Samsung Việt Nam, hiện nay, tổng vốn đầu tư đăng ký trong lĩnh vực điện tử và CNHT đã lên tới gần 8 tỷ USD. “Samsung đang tìm kiếm các DN cung cấp linh kiện nội địa, đây là cơ hội lớn với DN Việt, tuy nhiên chúng ta chưa thể tận dụng cơ hội này do CNHT chưa phát triển”, ông Mại cho biết.
Thực tế, từ năm 2000, Chính phủ đã có chủ trương phát triển CNHT, hợp tác với Nhật Bản để xây dựng hai khu CNHT ở Vũng Tàu và Hải Phòng, nhưng sau 14 năm, nước ta vẫn chưa định hình được những sản phẩm CNHT cần tập trung xây dựng trên quy mô cả nước, từng vùng kinh tế. Hệ quả là nhiều ngành sản xuất như ô tô, điện thoại di động, thiết bị điện tử, dệt may… vẫn phụ thuộc vào linh kiện và gia công, lắp ráp nhập khẩu.
Dây chuyền sản xuất lò xo, phụ kiện kim loại tại Công ty Ngũ Kim Che Ye – 2, vốn đầu tư Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Danh Lam - TTXVN. |
Ngay tại Samsung Việt Nam, các DN trong nước chỉ cung cấp được các sản phẩm in ấn, bao bì. Theo GS Mại, việc không sản xuất được cả cục sạc, ốc vít, phải nhập khẩu đến cả cái cúc áo… là “nỗi đau” của ngành công nghiệp Việt Nam.
Ngoài nguyên nhân là các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng chưa cao thì sự không tin tưởng vào công nghệ, năng lực của các sản phẩm trong nước cũng khiến các DN ngành CNHT mất khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Ông Mai Văn Đáng, GĐ Công ty Mai Văn Đáng (chuyên sản xuất phụ tùng xe máy, ô tô từ năm 1995) cho rằng, các công ty lắp ráp thường nghĩ rằng công nghệ Việt Nam lạc hậu, trong khi thực tế đã có DN tư nhân sản xuất được cả tàu ngầm, máy bay…
“CNHT không phát triển là bởi thiếu sự liên doanh, liên kết. DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thường không muốn chia sẻ công nghệ với DN trong nước, mà chủ yếu sử dụng linh kiện DN nước họ chứ không chia sẻ nhu cầu của họ với DN Việt Nam. Thậm chí DN trong nước cũng sính mua hàng nước ngoài chứ không mua hàng của chúng tôi. Dù chiếc ghế, chiếc bô ô tô chúng tôi đã sản xuất được và còn xuất khẩu sang EU, nhưng để bán được trong nước lại khó”, ông Đáng nói. Ông Đáng đề xuất cần có cơ chế của nhà nước buộc DN phải tăng tỉ lệ nội địa hóa thông qua liên doanh, liên kết, mua linh phụ kiện trong nước sản xuất.
Cụ thể hóa chính sách hỗ trợĐể phát triển CNHT, nhiều nước sử dụng chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút vốn FDI vào từng lĩnh vực của CNHT. Ví dụ, Thái Lan có chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN có thời hạn đối với ngành công nghiệp kỹ thuật, chế biến nông sản và DN nhỏ và vừa ở nông thôn. Malaysia có chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN trong lĩnh vực chế tạo, các ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử. Singapore có chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN nhằm hút FDI vào các ngành CNHT trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, thương mại, vận tải biển. Hiện Việt Nam chưa có quy định cụ thể về ưu đãi cho CNHT như vậy.
GS Nguyễn Mại cho rằng: “Việt Nam không nên phát triển dàn trải vào tất cả các sản phẩm CNHT mà phải lựa chọn một số sản phẩm chủ lực để phát triển thành thương hiệu quốc gia; cũng không nên máy móc khi đặt vấn đề tỷ lệ nội địa hóa đối với từng loại sản phẩm như ô tô, xe máy, mà phải tính đến chi phí, giá thành, chất lượng và hiệu quả kinh tế”.
Nắm bắt được những khó khăn mà các DN CNHT trong nước gặp phải, Bộ Công Thương đang soạn thảo nghị định về phát triển CNHT để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DN.
Tuy nhiên, tại hội thảo góp ý về nội dung dự thảo diễn ra hôm qua (25/9), các DN kiến nghị các nội dung liên quan đến hỗ trợ phải thật cụ thể. Chẳng hạn, ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải cho rằng nhiều quy định về ưu đãi thuê chưa rõ ràng. “Ưu đãi về thuế theo dự thảo đã đạt mức cao nhất, tuy nhiên với những DN đang đầu tư ở các vùng khó khăn thì đã được hưởng mức thuế này, nếu tiếp tục đầu tư vào CNHT thì có được hỗ trợ nữa không? Các DN đã và đang làm CNHT rồi thì có được tiếp cận những sự hỗ trợ này không? Đó là những điều mà dự thảo cần làm rõ”, ông Dương cho hay.
Theo dự thảo Nghị định phát triển CNHT, Nhà nước sẽ thành lập quỹ đầu tư CNHT quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương với nguồn vốn 30.000 tỷ đồng để cung cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân, DN sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ CNHT. Ngoài các chính sách ưu đãi về thuế ở mức cao nhất, các DN CNHT còn được hỗ trợ một phần chi phí (không quá 50% vốn đầu tư) đối với các hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường…
Hoàng Dương - Thu Hồng