Những tín hiệu lạc quan
Theo thông tin sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỷ trọng ngành trồng trọt đạt 43,27% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, xuất khẩu 11,37 tỷ USD, chiếm 40,8% giá trị xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 ước 3,52 triệu tấn, tăng 16,2%, kim ngạch 1,72 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ 2021. Mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam là một trong 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2022.
Đây là tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, vì theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, mức giá gạo vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2021. Hiện giá gạo 5% tấm là 420 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức giá 470 USD/tấn năm 2021. Trong khi đó, về mặt thị trường xuất khẩu, nhu cầu ổn định từ các thị trường Philippines, Trung Quốc, châu Phi và Cuba cũng góp phần mang lại kết quả xuất khẩu quý II và 6 tháng đầu năm 2022 đầy lạc quan.
Chỉ trong nửa đầu năm 2022, Cục Trồng trọt đã kịp thời cấp gần 200 giấy chứng nhận chủng loại gạo xuất đi châu Âu và Anh hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, tín hiệu lạc quan xuất khẩu các mặt hàng của ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm như: Chanh leo, sầu riêng của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sản lượng và giá trị xuất khẩu của hầu hết các cây công nghiệp lâu năm đều tăng như: Hồ tiêu sản lượng hơn 280.000 tấn, xuất khẩu 125.000 tấn, kim ngạch 566 triệu USD, tăng 14% về giá trị xuất khẩu; cao su sản xuất hơn 404.000 tấn, xuất khẩu 779.000 tấn, kim ngạch 1,35 tỷ USD, tăng hơn 12% về giá trị...
Tạo điều kiện sản xuất và xuất khẩu
Theo nhận định của Cục Trồng trọt, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine đẩy chi phí logicstic, giá xăng dầu, phân bón và nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy gây áp lực lên ngành trồng trọt. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những giải pháp đẩy mạnh sản xuất trong nước đối với các nguyên liệu đầu vào, để ngành chủ động sản xuất, hạn chế thiệt hại; tiếp tục tập trung tái cơ cấu nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, hiệu quả…
"Các địa phương cần chủ động sản xuất, giảm thiểu các tác động tiêu cực, nhận diện những khó khăn về thời tiết bất thường, giá vật tư đầu vào tăng cao; chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch COVID-19 và xung đột giữa Nga – Ukraine, để thích ứng và linh hoạt sản xuất", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Thực tế, ngành Trồng trọt phải nhận diện rõ khó khăn và nguy cơ từ nay đến cuối năm để có kế hoạch cụ thể chủ động trong sản xuất cho từng vùng, từng vụ, từng thời điểm. Điều này đòi hỏi các địa phương trong chỉ đạo, điều hành phải đảm bảo đúng kế hoạch đề ra, nhất là trong thời điểm hiện nay, sản xuất lương thực được ngành ưu tiên hàng đầu.
"Thời tiết diễn biến khó lường, khó dự báo, đặt ra những thách thức đối với các vùng sản xuất trên cả nước, vì vậy phải nhận diện được khó khăn để chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho sản xuất từng vùng; đồng thời, thành lập các đoàn công tác đến từng địa phương để đôn đốc chỉ đạo sản xuất đảm bảo đúng kế hoạch; ưu tiên các gói kỹ thuật để tiết giảm chi phí. Quan trọng nhất hiện nay là tập trung nâng cao chất lượng, nhưng phải giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.
Với việc xuất khẩu nông sản chủ lực, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhận định, nhu cầu thị trường trong 6 tháng cuối năm vẫn tốt. Thêm vào đó, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giữ vững ở mức cao, thậm chí có thể còn tăng do ảnh hưởng xung đột với Nga, nên Ukraine không xuất khẩu lúa mì, kéo theo giá các loại ngũ cốc và lương thực cao. Những yếu tố này được đánh giá có lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam và tiếp tục thúc đẩy ngành hàng này phát triển tốt.
Từ ngày 10 - 14/7, Cao ủy Nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU), ông Janusz Wojciechowski đã có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên cho thấy sự quan tâm của tổ chức này với nông sản Việt. Trong chuyến thăm, ông Janusz Wojciechowski nêu rõ, hiện phía EU đang mong muốn nhập nông sản nhiệt đới của Việt Nam. Cùng với đó, EU đang đầu tư một số dự án phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thông minh, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Những cam kết kể trên cũng mở ra nhiều kỳ vọng để nông sản Việt Nam có cơ hội tận dụng nhiều hơn tiềm năng từ thị trường lớn này.