Tạo thương hiệu bằng các vùng chuyên canh

Quảng Ninh là tỉnh đi tiên phong trong việc xây dựng và triển khai Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (one commune one product) gọi tắt là OCOP.

Sau hai năm triển khai, Chương trình OCOP đã khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng, nâng tầm sản phẩm truyền thống, đặc trưng của từng vùng, miền, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

“Mỗi xã, phường một sản phẩm”

Ông Trương Công Ngàn, Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh cho biết: Để có bước đột phá trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, Quảng Ninh đã xây dựng 17 vùng chuyên canh nông, lâm, ngư nghiệp, tạo ra các sản phẩm đặc thù, sản phẩm truyền thống có chất lượng với "Mỗi xã, phường một sản phẩm" - OCOP.

Chăm sóc na tại xã An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVn

Người nông dân cùng với hợp tác xã, doanh nghiệp và các ngành liên quan vào cuộc đã xác định được cây trồng, vật nuôi trên từng vùng miền, từ đó có chính sách hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật. Quảng Ninh đã có vùng chuyên canh như: Na dai, nếp cái hoa vàng thị xã Đông Triều; vải chín sớm, thanh long đỏ Uông Bí; mía tím Hải Hà, Đầm Hà; hoa Hoành Bồ; chè Hải Hà; miến dong Bình Liêu; dược liệu, chè hoa vàng Ba Chẽ; sá sùng Vân Đồn; cá ruội, mực ống Cô Tô; chả mực Hạ Long; cua biển Quảng Yên; trứng vịt biển Đầm Hà, Tiên Yên; nấm linh chi, mật ong Hoành Bồ; gà Tiên Yên; lợn Móng Cái...

Vải chín sớm ở xã Phương Nam, thành phố Uông Bí không chỉ mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, mà còn khẳng định thương hiệu riêng của địa phương. Giống vải chín sớm này chỉ phù hợp với thổ nhưỡng khu vực Phương Nam, khi đưa sang trồng ở các địa phương khác giống cây bị thoái hóa, quả chín muộn, quả nhiều gai nhọn và chua, có năm còn không cho thu hoạch.

Ông Trịnh Việt Cường, Phó phòng Kinh tế thành phố Uông Bí cho biết: "Năm 2015, bằng phương pháp chiết cành từ cây vải tổ để cây mới không bị thoái hóa; trồng bổ sung và thay thế cây già, cây chết đã nâng diện tích từ 293 ha lên 315 ha, thu hoạch đạt trên 33 tỷ đồng. Năm 2016, thành phố sẽ tiếp tục nâng diện tích lên 350 ha tập trung chủ yếu ở các khu Bạch Đằng 1, Đá Bạc và Cẩm Hồng. Thành phố Uông Bí cũng đã lập quy hoạch cho 3 nhóm sản phẩm chủ lực là vải chín sớm Phương Nam, vùng trồng cây thông nhựa, vùng nuôi thủy sản nước ngọt tham gia OCOP".

Xã Việt Dân, thị xã Đông Triều có vùng trồng na dai rộng lớn, đáp ứng như cầu tiêu thụ của thị trường. Chất lượng na cũng được nâng lên, do bà con tiếp thu khoa học kỹ thuật chăm sóc, có ý thức trong việc sản xuất tập trung, với sản phẩm bán ra phải có thương hiệu. Từ hiệu quả kinh tế của cây na, thị xã Đông Triều đã mở rộng diện tích trồng na dai ở các xã có cùng thổ nhưỡng như: Tân Việt, An Sinh, Bình Khê với trên 1.200 ha na dai trồng tập trung, với sản lượng hơn 10.760 tấn/vụ.

Ông Vũ Văn Học, Bí thư Thị ủy Đông Triều cho biết: "Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có thương hiệu sản phẩm, tuy mới làm nhưng bà con nông dân bắt đầu đã biết cách tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, làm mẫu mã, xây dựng mạng lưới, thương hiệu sản phẩm. Đến nay Đông Triều đã có 3 sản phẩm được Xây dựng nhãn hiệu tập thể là: Nếp cái hoa vàng Đông Triều, na dai Đông Triều, gốm sứ Đông Triều. Sau hai năm triển khai Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm", Đông Triều đã đạt được những kết quả tích cực. Các sản phẩm OCOP không chỉ góp phần thúc đẩy quan trọng xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế trên địa bàn mà OCOP đã khẳng định thương hiệu chỉ riêng có của Quảng Ninh”.

Đẩy mạnh liên kết 4 nhà

Để có được thành công của chương trình OCOP, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến việc thành lập các hợp tác xã, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất nông nghiệp. Có cơ chế, khuyến khích, hỗ trợ với phương châm: "Công nghiệp thúc đẩy nông nghiệp", đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao cho thị trường tiêu dùng. Đến nay, theo thống kê của Ban điều hành OCOP tỉnh, đã có gần 200 tổ kinh tế tham gia chương trình là các tổ chức có tư cách pháp nhân bao gồm: Các công ty tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, hợp tác xã. Trong đó tham gia đông đảo là công ty cổ phần có vốn của cộng đồng và các hợp tác xã.

Thời gian qua, các hợp tác xã đã đảm nhận vai trò đầu mối đảm nhận khâu thu mua và đưa hàng nông sản đến các thị trường, tiết kiệm được chi phí lưu thông, do đó lợi nhuận cho người sản xuất được nâng cao hơn. Hợp tác xã còn tạo việc làm cho lao động nông thôn, thông qua việc tổ chức sản xuất, dịch vụ OCOP. Đồng thời, hợp tác xã là chủ đầu tư công nghệ, chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất làm nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Điển hình như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, thị xã Đông Triều.

Hợp tác xã lập kế hoạch từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ hàng hóa. Quá trình thực hiện các khâu đều liên kết chặt chẽ với các thành viên trong hợp tác xã, nhờ đó ổn định được sản xuất, đầu ra của các sản phẩm nông sản. Hợp tác xã Toàn Dân, huyện Ba Chẽ mạnh dạn liên kết sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống, đưa vào trồng trên 120 ha cây ba kích tím, dự kiến sẽ thu hoạch vào năm 2016, ước tính doanh thu từ 1,5 - 2 tỷ đồng/ha. Hợp tác xã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nông thôn với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/ tháng.

Quảng Ninh cũng đang triển khai liên kết với các công ty, doanh nghiệp, viện cây trồng nhằm đưa các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh thực hiện phục tráng giống lúa nếp hoa vàng, hợp tác với Công ty ORION (Hàn Quốc) trồng khoai tây Atlantic, ký bản ghi nhớ với Công ty Tiến Bộ Quốc tế AIC đưa quả vải xuất sang thị trường Malaysia. Nhiều mô hình hiện đại được triển khai, như dự án trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây của Tập đoàn Vingroup có tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng, dự án quy trình trồng trọt theo hướng Việt Gap, GlobalGap, năng suất đối với cây hoa màu khoảng 300 - 400 tấn/ha trồng trong nhà kính, dự án đầu tư của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long để xây dựng hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ cho bà con nông dân vùng rau an toàn thị xã Quảng Yên...

Quảng Ninh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu bằng cách thành lập các cửa hàng OCOP giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm ở các huyện, thị xã, thành phố như: Hoành Bồ, Bình Liêu, Hải Hà, Quảng Yên, Đông Triều. Đồng thời tham gia triển lãm, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài nước. Đã có trên 30 doanh nghiệp đến làm việc với Quảng Ninh, tìm hiểu đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Công ty TNHH thương mại YaShiDa Quảng Tây, Tập đoàn HeXin Yuan Quảng Tây, Công ty TNHH thương mại Quốc tế Hồng Lâm... đặt vấn đề nhập khẩu nấm linh chi, mật ong Hoành Bồ; Công ty TNHH thương mại và nhập khẩu Trung Quốc đặt vấn đề nhập khẩu gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, miến dong Bình Liêu, khoai lang Móng Cái...

Theo ông Vũ Văn Diện, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh vùng miền đã có bước đi đáng mừng, song đây là bước khởi đầu, quy mô còn nhỏ. Cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của sở, ban, ngành địa phương, đẩy mạnh việc liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) giúp nông dân tiếp cận với các cây, con giống mới, công nghệ tiên tiến chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đạt năng suất, chất lượng cao nhằm gia tăng giá trị trên từng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, bứt phá vươn lên xóa đói nghèo, phát triển bền vững.
Nguyễn Sơn Hải
Bưởi Đoan Hùng đoạt "Thương hiệu vàng nông nghiệp 2015”
Bưởi Đoan Hùng đoạt "Thương hiệu vàng nông nghiệp 2015”

Bưởi Đoan Hùng vừa được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao giải thưởng “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN