Tập trung hút vốn FDI chất lượng cao

“Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, trong khi việc sử dụng công nghệ cao còn ít, tỉ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng đối với các sản phẩm công nghiệp còn thấp...”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu đánh giá trong cuộc họp báo về Hội thảo Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI tại Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 15/3 tới.

Những chuyện “biết rồi, khổ lắm...”

Văn phòng JETRO tại Hà Nội mới đây cho biết, các nhà đầu tư Nhật Bản đang lo ngại khi chi phí sản xuất tại Việt Nam trở nên đắt hơn so với các nước trong khu vực do thiếu ngành công nghiệp hỗ trợ.

Sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Quảng Ninh). Ảnh: Danh Lam - TTXVN


Theo JETRO, hiện nay, chỉ khoảng 28 - 30% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản nói rằng, họ có thể mua được các nguyên vật liệu sản xuất của Việt Nam. Riêng với các DN sản xuất xe máy, ô tô thì chỉ mua được khoảng 10%. Tính trung bình, các DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam phải nhập 70% các nguyên liệu từ nước ngoài. Do đó, dù lương của lao động Việt Nam là 170 USD/tháng/người, Thái Lan là 230 USD/tháng/người, nhưng khi phải nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều hơn thì chi phí sản xuất ở Việt Nam lại cao hơn Thái Lan. Càng loại hình công nghệ cao thì càng khó tìm nguyên phụ liệu ở Việt Nam.

Cho biết các doanh nghiệp châu Âu chưa tự tin để chuyển giao các công nghệ tốt nhất vào Việt Nam, Văn phòng EuroCham tại Việt Nam chỉ ra nguyên nhân: Là do việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa tốt, một khi điều này còn tồn tại thì không thể thu hút các ngành sản xuất giá trị gia tăng, công nghệ cao vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng, cơ sở hạ tầng thiếu, chất lượng lao động chưa cao và thủ tục đầu tư, quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam còn rườm rà là các rào cản đối với vốn FDI vào Việt Nam.

Ông Duandej Yuaikwarmdee, Phó Tổng giám đốc Reed Tradex (Công ty chuyên xúc tiến đầu tư) cho rằng, Việt Nam coi lao động rẻ là lợi thế, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài lại coi thuận tiện trong hạ tầng là điều quan trọng hơn. Lao động rẻ có ý nghĩa gì khi hàng hóa làm ra không kịp tiến độ, không giao hàng đúng hẹn?
Tuy nhiên, hiện trên thế giới có hai nhóm các nhà đầu tư nước ngoài: Một nhóm muốn đầu tư và mang công nghệ cao vào Việt Nam, nhóm khác muốn tận dụng lao động rẻ, ưu đãi thuế để mang công nghệ lạc hậu vào.

“Cần phải có chính sách để thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao (tức nhóm I), đồng thời hạn chế nhóm II. Nếu Chính phủ đưa ra được các chính sách phù hợp (đứng ở giác độ nhà đầu tư nước ngoài) sẽ thu hút được các dòng vốn FDI có chất lượng vào Việt Nam...”, ông Duandej Yuaikwarmdee nói.

Nhiều việc cần làm

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT: Môi trường đầu tư – kinh doanh của nước ta còn nhiều rào cản, nổi lên là luật pháp, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, nhất quán; cơ chế khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao còn nhiều bất cập; hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đặc biệt là giao thông vận tải, cảng biển, và tình trạng thiếu điện. Gần đây, cùng với sự phát triển nhanh của các thành phần kinh tế, đã bộc lộ sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, chính sách đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn cũng tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư...

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, nói về các chính sách, cơ chế thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cho đến nay khá đầy đủ, nhiệm vụ cũng đã giao, phân cấp cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Nhưng trong quá trình thực hiện thì chưa tốt, không đồng bộ, bị cắt khúc.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1617/CT - TTg, ngày 19/9/2011 về tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Theo Chỉ thị, Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành và UBND các địa phương xây dựng “Đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011 - 2020”, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2012.

Để Bộ KH&ĐT lên Đề án này, Thủ tướng giao các bộ, ngành phải khẩn trương xây dựng hàng loạt các đề án liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài như Bộ Công Thương phải xây dựng đề án nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả quản lý nhà nước và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, điện, thương mại giai đoạn 2011 – 2020; Bộ Xây dựng phụ trách về ĐTNN trong thị trường bất động sản; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bộ Giao thông Vận tải là vấn đề tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 - 2020...

Ông Phan Hữu Thắng, Viện trưởng Viện FDI cho rằng, việc có thu hút được nguồn FDI chất lượng tốt hay không phụ thuộc vào chúng ta. Bộ máy giỏi sẽ tạo ra hệ thống luật pháp, hành lang tốt cho dòng vốn FDI chảy.

“Tại sao Mianma đang nổi lên là điểm đến của các luồng vốn FDI? Số vốn FDI năm 2011 đăng ký vào họ gấp đôi ta, lên tới 30 tỉ USD. Là do họ sửa đổi chính sách thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh tốt và quan trọng là bộ máy chính quyền có quyết tâm cao!”, ông Thắng nói.

Xuân Hương

Những dấu hiệu tích cực trong thu hút FDI
Những dấu hiệu tích cực trong thu hút FDI

Thông tin liên tiếp về các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư và vốn giải ngân tăng mạnh gần đây đã củng cố niềm tin về việc sẽ thực hiện được mục tiêu thu hút FDI năm 2012 ở mức khoảng 15 tỷ USD...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN