Theo đó, ngày 20/5, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận phối hợp với Đồn Biên phòng Mũi Né (thành phố Phan Thiết) kiểm tra, giám sát các phương tiện đang thi công trục vớt tàu Bạch Đằng bị chìm ở vùng biển Mũi Né. Các cơ quan chức năng phát hiện việc tàu Bạch Đằng đã được kéo tàu rời khỏi khu vực bị chìm khi chưa hoàn thành các thủ tục liên quan.
Cảng vụ hàng hải Bình Thuận đề nghị các cơ quan, đơn vị nếu phát hiện tàu Bạch Đằng tại khu vực quản lý của mình thì tiến hành xử lý theo quy định. Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận cũng gửi thông tin đặc điểm của tàu Bạch Đằng để các đơn vị nhận biết.
Như TTXVN đã đưa tin, sáng 14/3, tàu vận tải Bạch Đằng có trọng tải hơn 2.500 tấn, trên tàu có 7 thuyền viên, chở 1.500 tấn tro bay từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đi Cảng Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Đến khoảng 18 giờ 30 phút ngày 14/3, khi tàu đang hành trình qua vùng biển Mũi Né, cách bờ khoảng 0,5 hải lý, thì bị lật ngang và chìm. Đồn Biên phòng Mũi Né và các cơ sở du lịch gần đó đã dùng ca nô, mô tô nước tiếp cận và cứu được toàn bộ 7 thuyền viên, đưa vào bờ an toàn. Con tàu bị chìm và bị sóng đánh di chuyển cách bờ biển khoảng 300m, ở độ sâu khoảng 7m.
Đến trưa 21/3, gần 4.000 lít dầu lẫn nước biển đã được hút khỏi tàu Bạch Đằng. Ngày 30/3, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã phê duyệt phương án trục vớt tàu Bạch Đằng bị chìm trên biển Mũi Né. Thời gian trục vớt tàu Bạch Đằng dự kiến khoảng 20 ngày trong điều kiện thời tiết thuận lợi.
Tuy nhiên, thời gian trục vớt tàu kéo dài. Đến ngày 19/5, tàu Bạch Đằng được đơn vị trục vớt là Công ty TNHH Vận tải biển Trường Tâm lật nổi và neo đậu cố định. Sau đó cả con tàu Bạch Đằng và các phương tiện trục vớt đều tự ý rời vùng biển Mũi Né, không thông báo với cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Anh Hữu, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Bình Thuận, cho biết: Việc các phương tiện trục vớt đưa tàu Bạch Đằng đi khỏi hiện trường mà chưa làm các thủ tục là sai quy định và cần phải xử lý nghiêm.