Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm hơn 90% doanh nghiệp trong cả nước và hầu như vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Nếu vay được vốn, DN cũng chỉ đủ lực để có thể mua máy đã qua sử dụng, hoặc máy móc giá rẻ từ Trung Quốc.Yếu thế trên sân nhàVới một nền kinh tế như Việt Nam các DNNVV chủ yếu tập trung cạnh tranh trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng. Thế nhưng, dạo quanh các siêu thị Big C, Co.op Mart, Lotte Mart, Maximark... tại TP Hồ Chí Minh, hầu như các sản phẩm có xuất xứ ngoại nhập đều tràn ngập trên các kệ hàng trưng bày. Từ thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu đến điện máy, gia dụng... đều có các thương hiệu đến từ nước ngoài. Đáng chú ý, gần một tháng trở lại đây, nhiều sản phẩm nhập ngoại được các siêu thị “ưu ái” dành hẳn một khu trưng bày riêng để tạo sự chú ý của người tiêu dùng.
Hầu hết máy móc sản xuất của CTCP Inox Kim Vĩ đều nhập từ Trung Quốc. |
Tại siêu thị Big C quận 2, ngoài khu gian hàng ngoại nhập được trưng bày riêng theo từng mặt hàng, siêu thị còn có cả khu trưng bày các sản phẩm đến từ Nhật. Chị Bích Hoa, ngụ tại quận 2, thích thú cho biết: “Các thương hiệu đến từ xứ hoa Anh Đào phần lớn được đánh giá là hàng chất lượng cao nên rất được người tiêu dùng như chúng tôi ưa chuộng và mua dùng. Vì thế, trước đây hàng Nhật chưa có mặt nhiều tại siêu thị, tôi toàn phải mua hàng xách tay, đôi lúc cũng không yên tâm lắm vì sợ hàng giả. Nay những thứ tôi hay mua cho gia đình như sữa tắm, dầu gội, bột rắc cho trẻ, thực phẩm chức năng, thuốc y tế dự phòng cho gia đình... đều có trên kệ siêu thị như thế này, tôi rất an tâm để chọn mua dù giá cả có mắc hơn so với hàng nội địa...”. Không chỉ có hàng Nhật, các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo nhập từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan... cũng đang chiếm thế thượng phong trên thị trường.
Trên thực tế, cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã được các siêu thị áp dụng và đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Theo đó, nhiều mặt hàng nội địa được sắp xếp trên các quầy kệ và trưng bày bắt mắt nhằm thu hút người tiêu dùng. Nhưng trước sự hội nhập hiện nay, hàng nhập ngoại lại bắt đầu ồ ạt tấn công và từng bước chiếm lĩnh thị phần tại các điểm bán lẻ. Nhiều ý kiến cho biết, rất muốn ủng hộ hàng Việt nhưng chất lượng, mẫu mã sản phẩm của DN chúng ta vẫn chưa hấp dẫn như hàng ngoại. Nếu có sản phẩm tốt, thì giá cả lại quá cao so với hàng nhập có chất lượng tương đương. Điều này khiến người tiêu dùng phải có sự so sánh và chọn lựa phù hợp với tiêu chí, túi tiền của mình.
Yếu vì công nghệ lạc hậuÔng Takahito Otsu, Tổng giám đốc Công ty Yamazaki Mazak Việt Nam, chia sẻ một phần nguyên nhân chính khiến hàng Việt Nam khó cạnh tranh trên sân nhà là do máy móc sản xuất còn lạc hậu (so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ) và chậm thay đổi công nghệ. Khoảng 80 - 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các DN của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980 - 1990; 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Trong khi đó, nhu cầu cấp thiết về các giải pháp sản xuất tiên tiến của các nhà sản xuất ngày càng đòi hỏi cao, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Vì thế, các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn DN Việt Nam đổi mới công nghệ và tiếp cận những thế mạnh công nghệ sản xuất tiên tiến mới.
Báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cũng chỉ rõ: Hiện Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoảng 0,7% GDP (tương đương khoảng 700 triệu USD), trong đó từ Chính phủ chiếm 70%, doanh nghiệp chỉ chiếm 30%. Thực tế này cho thấy, mục tiêu đến năm 2020 đầu tư cho KHCN chiếm 2% GDP quốc gia, trong đó 3/4 là đầu tư từ hệ thống DN rất khó thực hiện.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ (KHCN), nhưng các DNNVV ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Nếu có vốn thì phần lớn các DN đều mua máy móc từ Trung Quốc, khiến năng lực cạnh tranh hàng hóa bị hạn chế. Anh Trần Trung Nghĩa, kế toán trưởng CTCP sản xuất XNK Inox Kim Vĩ (Kimvico JSC) tại huyện Củ Chi, thừa nhận DN đã nhiều lần vác đơn đến các ngân hàng xin vay vốn theo chương trình của Chính phủ về đổi mới công nghệ nhưng đều vướng mắc các thủ tục làm hồ sơ, phải mất nhiều lần làm đơn xin vay vốn DN mới có thể vay được. Mới đây, DN đã vay được 26 tỷ đồng của chi nhánh ngân hàng Agribank huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) để mua thêm máy móc mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng của hàng hóa.
Dẫn chúng tôi đi xem dây chuyền máy móc sản xuất của DN, anh cho biết: “Hầu hết các máy móc này đều nhập về từ Trung Quốc”. “Sao công ty không mua máy nhập khẩu từ các quốc gia khác hiện đại hơn?”, chúng tôi hỏi. Anh lắc đầu: “DN chúng tôi ai cũng muốn đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến để cạnh tranh. Thế nhưng, vác đơn xin vay vốn đã khó, nếu có cũng không đủ để đầu tư. Như với dây chuyền cán lạnh inox, nếu mua máy của Trung Quốc giá đã 15 tỷ đồng, nhưng nếu mua của Nhật giá đã đội lên hơn gấp 2, gấp 3 lần. Chi phí đầu vào cao ắt đầu ra sẽ cao, như thế sản phẩm không thể cạnh tranh với các thương hiệu khác cùng chủng loại. Mặt khác, nếu đầu tư máy móc phải đồng bộ, DNNVV như chúng tôi khó có đủ lực để có thể thực hiện được”.
Thực tế, không chỉ riêng DN Inox Kim Vĩ mà rất nhiều DNNVV trong cả nước đều phải làm bài toán này. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2015 là 7,05 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 47,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng phần nhập khẩu từ Trung Quốc đã lên tới 2,27 tỉ đô la Mỹ, tăng 45,8% so với cùng kỳ.