Khi bắt đầu nối lại nhiều chuyến bay hơn kể từ tháng 2/2020, một số hãng đã sử dụng máy bay để chuyên chở hàng hóa, trong khi một số khác đang tìm cách cân bằng giữa việc đảm bảo các quy định phòng dịch với lợi nhuận cho đến khi các quy định về giãn cách xã hội có thể được nới lỏng an toàn và nhu cầu đối với dịch vụ vận tải hàng không trở lại bình thường. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành hàng không cho rằng các hãng hàng không giá rẻ có thể sẽ cần phải cân nhắc các chiến lược kinh doanh mới, thay vì thụ động vượt qua "cơn bão" với hy vọng nhu cầu sẽ sớm trở lại mức trước đại dịch.
Peach Aviation Ltd., công ty thuộc tập đoàn ANA Holdings Inc. - hãng điều hành All Nippon Airways, có kế hoạch khôi phục các dịch vụ trên tất cả các đường bay nội địa từ ngày 19/6. Trong khi đó, Jetstar Japan Co., thành viên liên kết của Japan Airlines Co., cũng đang khôi phục các chuyến bay theo từng giai đoạn.
Cả hai hãng hàng không này đều yêu cầu hành khách đeo khẩu trang và áp dụng biện pháp khác nhau để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh giữa các hành khách. Cụ thể, Jetstar sẽ không nhận đặt chỗ cho các ghế ở hàng giữa, giống với chính sách của Japan Airlines, dù các quan chức của hãng cho rằng đây là cách ứng phó tạm thời và sẽ không thể duy trì lâu nếu không từ bỏ hình kinh doanh giá rẻ và tăng giá vé.
Peach Aviation thì không áp dụng các biện pháp đặc biệt nào với lý do máy bay của hãng có trang bị hệ thống thông gió tối tân, dù các chuyên gia ngành hàng không cho rằng hãng sẽ khó có thể đạt lợi nhuận với nhu cầu đi lại ở mức hiện tại.
Theo giới chuyên gia, tỷ lệ lấp đầy chỗ ngồi mà các hãng hàng không giá rẻ cần để có lợi nhuận là từ 70%- 80%. Trong tháng Sáu này, số các chuyến bay nội địa Jetstar Japan vận hành dự kiến sẽ chỉ tương đương 10% so với trước đại dịch, trong khi tỷ lệ vận hành của Peach Aviation là trên 30%.
Cả Jetstar Japan và Peach Aviation hiện nay đều không phải đối mặt với khó khăn về tài chính do công ty mẹ của hai công ty là Japan Airlines và ANA đều khẳng định họ có đủ ngân sách để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Tuy nhiên, con đường dài để khôi phục toàn bộ các dịch vụ hàng không vẫn còn ở phía trước.
Đầu tháng, Zipair Tokyo Inc., thành viên của Japan Airline Co., đã có chuyến bay đầu tiên sử dụng máy bay B-787, chở hàng hóa từ sân bay Narita tới Bangkok (Thái Lan), thay vì chở hàng khách.
Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo các hãng hàng không của Mexico sẽ chịu thiệt hại khoảng 6,4 tỷ USD trong năm 2020 do những tác động xấu của đại dịch COVID-19 và do vậy doanh thu của lĩnh vực này sẽ giảm 45% so với năm 2019.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Chính phủ Mexico không đóng cửa các đường bay quốc nội và quốc tế. Tuy nhiên, do nhiều quốc gia trên thế giới đóng cửa đối với các chuyến bay quốc tế, tất cả các hãng hàng không ở Mexico đã phải tạm ngưng dịch vụ vận chuyển. Nguồn thu từ ngành công nghiệp này đóng góp tới 3,05% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico.
Các hãng hàng không ở Mexico đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế trong tháng này sau khi gần như dừng hoạt động trong tháng Tư và tháng Năm vừa qua. Mỹ và Mexico là hai điểm đến quốc tế quan trọng và có tần suất cao nhất của các hãng hàng không Mexico. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2020, hàng không Mexico đã vận chuyển 7,1 triệu khách giữa nước này và Mỹ và 1,9 triệu khách với Canada, giảm tương ứng 33,3% và 17,7% so với cùng kỳ của năm 2019.
Hiện Chính phủ Mexico chưa công bố bất kỳ một biện pháp tài chính nào để hỗ trợ ngành hàng không trong nước. Trong khi đó, IATA dự báo chính phủ các quốc gia trên thế giới sẽ dành gần 123 tỷ USD hỗ trợ cho các hàng hàng không vượt qua khủng hoảng của dịch COVID-19.