Thanh Hóa quản lý chặt hoạt động giết mổ động vật

Nhằm cung cấp thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh cho tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần ngăn chặn dịch bệnh động vật và phát triển chăn nuôi, UBND tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường công tác quản lý hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có gần 2.900 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động; trong đó, có 2 cơ sở giết mổ công nghiệp, 8 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 2.885 điểm giết mổ với công suất thực tế ước đạt gần 263 tấn thịt/ngày.

Nhân viên thú y kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một hộ kinh doanh thịt gia súc ở chợ thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Để quản lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm các cấp. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm của các thành viên Ban trong việc để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến công tác thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Tỉnh cũng nghiêm cấm các đơn vị, doanh nghiệp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để sử dụng làm thực phẩm; vứt xác động vật ra ngoài môi trường. Các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra đột xuất các cơ sở vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, xử lý vi phạm theo quy định của Luật thú y, Luật an toàn thực phẩm, các Nghị định của Chính phủ.

Ngoài ra, công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, chế biến, kinh doanh vi phạm trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng biết và tránh mua phải thịt từ động vật chết, mắc bệnh… Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các địa phương bố trí địa điểm xử lý, tiêu hủy động vật chết, mắc bệnh bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là các huyện, thị xã, thành phố có nhiều hoạt động buôn bán, chăn nuôi gia súc, gia cầm…

UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân không được giết mổ động vật bị chết, bị bệnh để chế biến làm thực phẩm hoặc liên kết với người buôn bán thịt gia súc, gia cầm để gian lận thương mại, biến động vật chết mắc bệnh thành thực phẩm, đặc sản…

Ông Lê Văn Luận, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo về hoạt động giết mổ kinh doanh vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Qua đó, hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, việc giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn tùy tiện, nhỏ lẻ, phân tán, chưa kiểm soát được đầy đủ các hoạt động vận chuyển, giết mổ và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm. Thậm chí có lúc, có nơi còn buông lỏng công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chợ cóc, chợ tạm.

Tình hình trên là nguy cơ làm phát sinh, phát triển các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và đe dọa đến sức khỏe cộng đồng...



Khiếu Tư (TTXVN)
Phớt lờ lệnh cấm, vẫn vô tư giết mổ gia cầm tại chợ dân sinh
Phớt lờ lệnh cấm, vẫn vô tư giết mổ gia cầm tại chợ dân sinh

Mặc dù thành phố Hà Nội không cho phép giết mổ gia cầm tại các chợ dân sinh, nhất là khi dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, nhưng hàng ngày, hàng ngàn con gia cầm sống vẫn được bày bán tràn lan, giết mổ ngay tại chỗ trong các chợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN