Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đã thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực cửa khẩu, vùng biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn, trên tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, lực lượng thú y tỉnh Thanh Hóa cũng phối hợp với, công an, biên phòng, quản lý thị trường các đơn vị liên quan đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn; đồng thời, tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc.
Tại các xã, phường, thị trấn lực lượng thú y cũng phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, chủ các trang trại giám sát chặt chẽ đàn lợn. Nếu phát hiện lợn có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi ngờ nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài sẽ tiến hành lấy mẫu 100% để đi xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các ổ dịch. Qua đó, bao vây dập tắt ổ dịch ngay khi mới phát sinh, không để dịch lây lan sang diện rộng.
Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cũng chủ động lấy mẫu ngẫu nhiên tại các đàn lợn ở địa phương với số lượng 30 mẫu/tháng để tiến hành xét nghiệm. Lực lượng thú y cơ sở cũng hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, khử trùng bằng vôi bột, hoặc hóa chất tiêu độc khử trùng theo quy định.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có đàn lợn lớn nhất khu vực phía bắc với tổng đàn trên 700.000 con, và là tỉnh có 192 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến quốc lộ 217, quốc lộ 10 cũng không có trạm kiểm dịch động vật liên ngành, nên dễ xẩy ra tình trạng vận chuyển lợn trái phép từ nước ngoài và các tỉnh khác về Thanh Hóa.