Đồng thuận cao với nghị định này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu dự thảo được thông qua, khi đi vào thực thi sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thua lỗ, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.
Theo Dự thảo Nghị định, Chính phủ sẽ thành lập một Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ quan này sẽ quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, góp phần phân bổ hợp lý và nâng cao hiệu quả và sử dụng nguồn lực xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao sức mạnh quốc gia và phúc lợi xã hội. Hoạt động của cơ quan này sẽ thực hiện đầy đủ, hiệu quả, chuyên trách, chuyên nghiệp quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ quan này cũng sẽ cải cách, cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước và quản trị tài sản nhà nước theo thông lệ kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập; thực hiện đổi mới cách thức quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp theo quy luật thị trường, sử dụng được một cách tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp để đầu tư phát triển các ngành chiến lược có giá trị gia tăng cao về dài hạn và cần có vai trò của Nhà nước.
Với việc ra đời cơ quan đại diện sở hữu vốn Nhà nước, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương - TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, đây là việc phải làm khi Việt Nam muốn hoàn thiện nền kinh tế thị trường. Và việc tách chức năng kinh doanh vốn Nhà nước khỏi các bộ sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho kinh tế Việt Nam. Đó là giải pháp giúp tập trung nguồn lực, vốn và tài sản nhà nước vào thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược.
Theo mô hình cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước này, bộ máy tổ chức, những con người làm ở đó phải có các kỹ năng phân tích thị trường, phân tích đầu tư, rủi ro, dự báo thị trường, đánh giá các cơ hội... Lực lượng lãnh đạo phải có kỹ năng quản trị, quản lý công ty ở tầm quốc tế, đặc biệt phải có tầm tư duy toàn cầu. Lương thưởng của họ được trả xứng đáng, không theo kiểu công chức. “Muốn vậy thì hoạt động của công ty này phải có một cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả. Các công ty đa quốc gia họ làm được thì mình cũng làm được. Trên thế giới đã có các chuẩn mực, công cụ, công thức đánh giá...”, ông Cung cho hay.
Về một số ý kiến quan ngại khó tìm ra nhân sự đủ tầm gánh trọng trách sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, không nên giữ tư duy phải sử dụng người trong hệ thống Nhà nước, thay vào đó hãy nghĩ đến nguồn lực của toàn xã hội. Rất nhiều người Việt đang đảm nhận tốt nhiều vị trí CEO của các tập đoàn đa quốc gia. Vậy hãy tuyển những người Việt đang làm CEO ở các tập đoàn quốc tế về ủy ban. Thậm chí nếu người Việt chưa đủ tầm thì thuê hẳn chuyên gia nước ngoài.