Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (trái) bị VAMC thu giữ nhằm xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Trước đó, ngày 21/6/2017 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Cùng với nhiều Quyết định liên quan đến cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu được Chính phủ phê duyệt thời gian qua, NHNN cũng khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động và chỉ đạo triển khai trên toàn hệ thống TCTD.
Có thể thấy, sau khi Nghị quyết 42 được ban hành thì công tác thu hồi, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) thuận lợi hơn khi nhiều rào cản trong xử lý nợ xấu được dỡ bỏ.
Theo ông Đoàn Văn Thắng – Tổng Giám đốc VAMC, từ tháng 8/2017 đến nay VAMC đã thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay đạt khoảng 16.000 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ khi thành lập đến nay (năm 2013), tổng số nợ xấu mà VAMC đã xử lý đạt 66.000 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD. Dự kiến từ nay đến cuối năm, VAMC sẽ mua thêm ít nhất 2.000 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD theo giá thị trường.
Tổng Giám đốc VAMC cho biết, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, việc thu giữ tài sản của VAMC tốt hơn rất nhiều. Trước đây, TCTD cũng như VAMC thu giữ trên cơ sở Nghị định 163/2006/N Đ-CP về giao dịch bảo đảm, nhưng tốc độ xử lý không được như mong muốn do quyền của chủ nợ vẫn yếu thế. Trong khi đó, Nghị quyết 42 đã bảo vệ chủ nợ tốt hơn và một lần nữa khẳng định quyền thu giữ tài sản đảm bảo.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng khẳng định, từ 15/8/2017 đến nay đã có 15.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý. Nhờ có Nghị quyết này mà tổng nợ xấu được “dọn dẹp” từ đầu năm đã lên tới 78.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; trong đó xác định cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng là một trong ba trọng tâm cơ cấu lại của nền kinh tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã được xem xét qua các khâu chuẩn bị và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD lần này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém, hạn chế, ngăn ngừa TCTD yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD.
Trên cơ sở kinh nghiệm xử lý các TCTD từ trước đến nay và đặc biệt là xử lý các TCTD yếu kém trong giai đoạn 2011 - 2016, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD lần này đã cụ thể hóa trình tự và các biện pháp xử lý các TCTD.
Theo dự thảo luật, trình tự và các biện pháp xử lý các TCTD được chia làm 5 bước. Đó là bước phục hồi; sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; bước giải thể; chuyển giao bắt buộc và cuối cùng là phương án phá sản.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đây là bước đột phá trong quá trình nhận thức các quy luật của nền kinh tế thị trường được vận dụng trong một lĩnh vực rất đặc thù là lĩnh vực ngân hàng.
So với luật hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung và quy định rõ từng bước đi, đề xuất để xử lý cụ thể với TCTD yếu kém; trong đó có quy định về trình tự đánh giá thực trạng các TCTD yếu kém, các đề xuất và quyết định chủ trương xử lý đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt; phương án phục hồi, các biện pháp hỗ trợ và tổ chức thực hiện phục hồi. Đối với mỗi hình thức xử lý các TCTD đều quy định chi tiết trình tự, nội dung, phương pháp thực hiện và các điều kiện để thực hiện các giải pháp này. Và giải pháp phá sản ngân hàng thông thường là giải pháp cuối cùng, chỉ thực hiện sau khi không thực hiện được 4 bước phục hồi, sáp nhật, hợp nhất, giải thể, chuyển giao bắt buộc.
Tuy nhiên, việc phá sản ngân hàng mặc dù được quy định trong Luật Phá sản năm 2014, nhưng chưa từng xảy ra tại Việt Nam nên đã gây không ít băn khoăn cho những người xây dựng luật.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) tỏ ra e ngại với ngân hàng có quy mô khách hàng lớn, nếu thực hiện phá sản sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội và cộng đồng.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) đề nghị luật cần bảo vệ quyền lợi người gửi tiền là ưu tiên số 1 bởi đây mới thật sự là cổ đông của các TCTD, chiếm tới 85%.
Lý giải băn khoăn này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc phá sản TCTD có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền và an toàn của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác, nhưng không thành công. Cùng với đó, cần xác định việc phá sản ngân hàng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng trong việc lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt.
Khẳng định cho sự quyết tâm tái cơ cấc các TCTD, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ là trong bất cứ trường hợp nào thì mục tiêu đầu tiên phải đảm bảo an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội, an toàn hệ thống ngân hàng cũng như giữ được lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Khi xây dựng phương án phá sản thì quan điểm chỉ đạo chung của Chính phủ là phải đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng của việc phá sản đối với sự an toàn của toàn hệ thống. Rủi ro tiềm ẩn đối với toàn bộ nền kinh tế cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.