Dư luận gần đây thông tin về tình trạng thanh long miền Trung, miền Nam giảm giá mạnh do Trung Quốc ngừng thu mua, ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định chỉ là tin đồn và sự thật không phải như vậy.
Ngay sau khi có tin đồn trên báo, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật đi xác minh tại các cửa khẩu phía Bắc. Ghi nhận tại các cửa khẩu cho thấy, mọi hoạt động giao thương, xuất khẩu thanh long giữa hai bên vẫn diễn ra bình thường.
Thực tế, có nhiều nơi giá thanh long đã rơi xuống mức 1.000 – 2.000 đồng/kg. Nhưng theo Cục Bảo vệ thực vật, thanh long giá rẻ chủ yếu là loại có phẩm cấp, chất lượng kém, còn sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn có giá và thị trường tiêu thụ ổn định.
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận cũng thừa nhận, sản lượng thanh long năm nay tăng đột biến, bởi thời tiết thuận lợi cho thanh long ra hoa kết trái, bởi kỹ thuật chong đèn kích thích thanh long ra hoa của người dân ngày càng điêu luyện.
Bên cạnh đó, sau tuần lễ Quốc khánh của Trung Quốc, sản lượng nhập khẩu có giảm nên ít nhiều tác động đến thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, thanh long là một trong những loại trái cây cho giá trị kinh tế cao. Hiện cả nước có khoảng 52.000ha thanh long, mỗi năm xuất khẩu 1,5 triệu tấn trái, thu về 1 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm 80% sản lượng xuất khẩu nhưng giá trị mà cây thanh long mang lại là rất lớn. Thu hoạch thanh long có 2 vụ, mùa chính từ tháng 4 - 9 hàng năm, cây ra trái tự nhiên, năng suất rất cao. Mùa nghịch từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, muốn thanh long ra hoa phải chong đèn, hiệu quả kinh tế của vụ này rất cao.
Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bình thường hết tháng 9, người trồng thanh long sẽ ngắt những bông hoa cuối vụ, cho cây nghỉ một tháng để đến tháng 11 chong đèn cho vụ nghịch nhưng năm nay tháng 7 - 8 mưa nhiều, số lượng hoa tăng đột biến, cộng với giá thanh long 2 năm qua tương đối tốt nên bà con không ngắt hoa như thường lệ nên sản lượng thanh long tăng nhanh.
Tuy nhiên, do là hoa cuối vụ, lúc này, cây cũng suy tàn nên chất lượng quả thanh long rất xấu, mẫu mã không đẹp nên sức tiêu thụ giảm. Cũng do sản lượng tăng nên thị trường, thương lái không theo được nhịp độ này. Bình thường, vào dịp 1/10, Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ lớn, mọi hoạt động giao thương chậm lại nên sản lượng nhập khẩu giảm. Thông tin một số báo nêu chỉ là hiện tượng, không phải bản chất, sau một tuần nghỉ lễ, hoạt động giao thương, xuất khẩu thanh long trở lại nhịp độ bình thường.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 27.000ha thanh long, với sản lượng khoảng 600.000 tấn. 80% trong số đó được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhìn vào con số này cũng có thể hiểu, chỉ cần một động thái nhỏ từ phía bên kia cửa khẩu cũng có thể khiến một vùng sản xuất rộng lớn của ta lao đao.
Về thông tin Trung Quốc đang có tham vọng mở rộng vùng trồng thanh long lên 30.000ha vào năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận là đúng và chủ yếu là ở khu vực đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Tây, hiện đã đạt 20.000 ha. “Nhưng chúng ta không quá lo ngại về điều này” – ông Cường nói. Trong giai đoạn hội nhập, thế giới không cấm được điều gì, nhưng chúng ta phải sản xuất theo những lợi thế thiên nhiên ban tặng. Trung Quốc không thể có cái nắng đặc trưng của Bình Thuận, không có cát giúp thanh long ngọt hơn. Trong khi chúng ta đang có những điều kiện “trời ban” đó.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị bà con nông dân và các doanh nghiệp thay đổi phương thức sản xuất và quản lý, tăng cường chế biến. “Riêng tỉnh Bình Thuận có 27.000ha thanh long mà chưa có nhà máy chế biến là không được”- ông Cường chia sẻ và cho rằng cần thiết phải có nhà máy chế biến để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, “không để trứng vào một giỏ”; đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.