Từ một thị xã nhỏ, đến nay không gian đô thị được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, hệ thống chính trị được đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh gọn. Thành phố Hải Dương đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành đô thị loại 1, trung tâm kinh tế, chính trị năng động của tỉnh Hải Dương
Diện mạo mới
Sau năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương đã không ngừng phấn đấu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dịch vụ, lao động và đưa chương trình xây dựng đô thị là một trong những chương trình mục tiêu mũi nhọn.
Trải qua các mốc quan trọng như: Được công nhận là đô thị loại III vào tháng 8/1997, lên đô thị loại II vào tháng 8/2006 và mới đây vào tháng 5/2019, thành phố Hải Dương đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là đô thị loại 1.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương Vũ Tiến Phụng chia sẻ, với quyết tâm của mình, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Dương tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Nhờ đó, diện mạo thành phố đang thay đổi hàng ngày, từng bước khẳng định vai trò đô thị trung tâm, không chỉ của tỉnh Hải Dương mà còn đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng.
Từ 21 đơn vị hành chính (17 phường, 4 xã) với diện tích 72,65 km2, sau khi mở rộng địa giới hành chính bằng việc sáp nhập toàn bộ diện tích đất tự nhiên và quy mô dân số của 5 xã Tiền Tiến, Quyết Thắng (huyện Thanh Hà); Ngọc Sơn (huyện Tứ Kỳ); Liên Hồng, Gia Xuyên (huyện Gia Lộc), thành phố Hải Dương hiện có diện tích 111,64 km2 với 19 phường, 6 xã (tăng 39 km2, 2 phường, 2 xã). Diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,33 m2/người; tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 98,79%.
Thành phố Hải Dương hiện có 8 khu đô thị và hàng chục khu dân cư mới. Diện tích đất cây xanh toàn đô thị đạt 5,58 m2/người; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị đạt 52,07%. Thành phố có 12 khu vực không gian công cộng; 16 công trình kiến trúc tiêu biểu cấp Quốc gia. Tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt 96,47%; tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng đạt 96,85%; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,82%.
Đón nhận Quyết định thành phố đạt tiêu chí đô thị loại 1, thành phố Hải Dương đã ra quân chấn chỉnh trật tự quảng cáo, trật tự đô thị. Thành phố cũng đã dành trên 160 tỉ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa tập trung chỉnh trang đô thị như cải tạo vỉa hè các đường: Hồng Quang, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Trường Chinh; cải tạo một số vườn hoa, các nút giao, quảng trường; sơn sửa, chỉnh trang các cầu trong đô thị; tháo dỡ các biển hiệu, biển quảng cáo sai quy cách; lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời tại các khu vực công cộng cho các phường, xã, khu dân cư…
Nhiều phường duy trì việc tổng vệ sinh đường phố vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Một số phường đã xây dựng được các mô hình điểm trong công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường. Tiêu biểu như mô hình tuyến phố không rác trên các đường Bình Lộc, Nguyễn Chế Nghĩa và 18 tuyến phố ở phường Hải Tân; mô hình trông giữ xe trên đại lộ Hồ Chí Minh; mô hình bán hàng gọn trên phố Minh Khai...
Để giải bài toán khắc phục tình trạng ngập úng khu vực nội thành mỗi khi mưa lớn, thành phố Hải Dương đã và đang đầu tư một số công trình trọng điểm như: Nâng công suất các trạm bơm tiêu úng, nạo vét kênh dẫn, cải tạo hệ thống thoát nước... Thực hiện dự án “Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - thành phố Hải Dương” vay vốn Ngân hàng Thế giới và dự kiến năm 2020 triển khai, hướng tới mục tiêu sau khi hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết vấn đề thoát nước tại khu vực nội thành.
Những ngày này, đi trên nhiều con đường, góc phố, ngắm nhìn những công trình, dự án đang hoàn thiện hoặc tiếp tục triển khai càng thấy rõ sức vươn lên mạnh mẽ của thành phố Hải Dương.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị
Không chỉ diện mạo đô thị mà hệ thống chính trị, bộ máy quản lý nhà nước của thành phố Hải Dương cũng đã có những chuyển biến tích cực.
Bí thư Thành ủy Lê Đình Long cho biết: Thực hiện việc bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên gắn với triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ đó chất lượng đảng viên ngày càng được nâng cao. Hiện nay, Đảng bộ thành phố có 118 tổ chức cơ sở đảng với trên 17 nghìn đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm theo đúng nguyên tắc của Đảng.
Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII và kế hoạch của Tỉnh ủy về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Thành ủy Hải Dương đã tiến hành nhất thể hóa chức danh; thực hiện mô hình Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, Trưởng khu dân cư... Ðến nay, mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân đã thực hiện tại 12 đơn vị hành chính với 122/189 khu dân cư. Một đơn vị có Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân; còn lại một số phường, xã bố trí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân do có cán bộ thành phố luân chuyển về.
Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ chuyên trách, công chức khối phường, xã sẽ giúp tinh giản 10% đúng theo lộ trình đề ra. Từ hai nhiệm kỳ qua, Ðảng bộ thành phố cơ bản thực hiện mô hình Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường, xã; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp làm Bí thư cấp ủy; Chủ tịch Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), Tổng Giám đốc (Giám đốc) đồng thời là Bí thư cấp ủy; Thủ trưởng đơn vị trong lực lượng công an nhân dân đồng thời là Bí thư cấp ủy... Thành ủy Hải Dương cũng giao các tổ chức cơ sở Đảng lựa chọn những vấn đề trọng tâm, phức tạp, nổi cộm, bức xúc ở từng đơn vị, địa phương để tập trung giải quyết, nhất là các lĩnh vực liên quan đến cải cách hành chính, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng... Những kết quả kinh tế - xã hội mà thành phố Hải Dương đã đạt được là minh chứng cụ thể cho sự vươn mình, năng động của thành phố.
Về kinh tế, thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng trung bình 3 năm gần đây đạt trên 13,6%; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,95%; giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động/năm. Các mặt giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.
Với chủ trương tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chọn công nghệ hiện đại, không ô nhiễm môi trường, thành phố Hải Dương hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động, trong đó có 76 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản theo mục tiêu đề ra. Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần đây đạt 13,60%. Tỷ lệ các hộ nghèo chiếm 1,95%.
Năng động, sáng tạo, vươn mình đón vận hội mới, trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố Hải Dương tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, xã hội, thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề phát triển năng động hơn; mở rộng không gian đô thị; xây dựng và phát triển bền vững với 5 mục tiêu: Đô thị công thương; đô thị sống khỏe; đô thị sáng tạo; đô thị đẹp thân thiện với con người; đô thị an toàn, an tâm.