Nhiều nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII, XIII cho rằng, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần giúp họ yên tâm có một môi trường pháp lý tin tưởng mà họ cho là đúng, chuẩn xác, đây là điều rất quan trọng.
Trong 9 tháng năm 2023, Chính phủ đã thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, đặc thù, phù hợp với diễn biến và thực tiễn tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới.
Chính phủ đã thực hiện có trọng tâm chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đầu ra trầm lắng. Ngày 14/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP, cho phép giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, Chính phủ cũng gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (thuế VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023. Bên cạnh đó, Ngành Tài chính đã khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, tiến hành hoàn thuế VAT, giảm bớt một phần khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Trước thực tế tổng cầu tiêu dùng trong nước còn yếu, Nghị quyết giảm 2% thuế VAT được Quốc hội thông qua và thực hiện từ ngày 1/7/2023 có tác động trực tiếp làm tăng tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế, khơi thông thị trường tiêu thụ, giải quyết lượng hàng tồn kho, nợ đọng vốn, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước phục hồi, mở rộng sản xuất, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động.
Cùng với thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và chính sách an sinh xã hội. Trong 9 tháng năm 2023, thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 1223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm. Hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra trong tình cảnh đầy khắc nghiệt, kết quả thu ngân sách 9 tháng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là: Đảm bảo cân đối thu - chi, giữ vững ổn định ngân sách nhà nước; tạo dựng nền tảng và cơ sở để phát huy tối đa vai trò quan trọng của chính sách tài khoá nghịch chu kỳ nhằm kích cầu tiêu dùng và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô; kết quả thu ngân sách Nhà nước 9 tháng còn tạo nguồn lực tài chính thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi cho các mục tiêu quốc gia.
Theo TS Trần Du Lịch, về nguyên tắc Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Tất cả các quy định của nhà nước về một vấn đề không thể hiểu khác nhau. Phải quy trách nhiệm đối với những cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mà nội dung mập mờ, có thể hiểu khác nhau khi áp dụng.
Để nâng cao năng lực nội sinh, điều quan trọng là nâng cao chất và lượng của doanh nghiệp Việt. “Hiện nay chúng ta cần vốn nước ngoài nhưng nội lực doanh nghiệp Việt mới là cốt yếu. Thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt là phải mục tiêu của các chính sách, trong đó tập trung nhiều hơn vào bảo vệ thương hiệu, sở hữu trí tuệ, quyền tài sản…”, TS Trần Du Lịch nói.
Phát huy cơ chế đặc thù
Tiếp đó là những cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực trong nước. Thời gian qua, Nghị quyết 98 của Quốc hội cho TP Hồ Chí Minh là điển hình để huy động nguồn lực trong nước ở các hình thức khác nhau để thúc đẩy đầu tư, có như vậy thì mới hướng tới được mục tiêu đầu tư công là dẫn dắt, thu hút đầu tư tư nhân… Đây là những vấn đề mấu chốt cần được thể hiện bằng chính sách cụ thể.
TS Trần Du Lịch cho rằng, việc triển khai Nghị quyết 98 chỉ là bước đầu, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến TP Hồ Chí Minh mà các đô thị, địa phương và cả Chính phủ phải mạnh dạn hơn trong mở rộng phân cấp, phân quyền, đặc biệt là về quản lý kinh tế, tăng trách nhiệm, tăng tính năng động, sáng tạo của địa phương.
Hiện nay, hệ thống thể chế Việt Nam được thiết kế với tư duy phát triển kinh tế theo địa giới hành chính với tầm nhìn của từng ngành. Các quy định được thiết kế, vận hành chung cho cả nước, rất hạn chế những thiết kế có tính đến điều kiện, đặc điểm riêng của từng vùng.
Điều này dẫn đến, sự bất cập, không đồng bộ của các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản; ảnh hưởng đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn vùng. Phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện tạo thực tiễn cho từng địa phương. Chúng ta thiếu khuôn khổ thể chế để huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng trong khi phân bổ nguồn lực ngân sách hạn chế và thiếu trọng tâm.
"Đồng thời, giới hạn trong các khuôn khổ thể chế cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương trong việc xin - cho các cơ chế, chính sách đặc thù. Nói nôm na, mô hình quản lý nhà nước ở nước ta kiểu như “đan một cái lưới để đánh mọi loại cá” nên dẫn đến tình trạng địa phương nào cũng cố xin cơ chế đặc thù”, TS Trần Du Lịch nói.