Gian nan vượt qua đại dịch
Mô hình nuôi chim bồ câu và trồng cây ăn quả của anh Nguyễn Thế Dũng (sinh năm 1988), Bí thư Đoàn xã Giang Sơn, huyện Gia Bình từng là điểm sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp của tỉnh. Nhưng, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ khiến gia đình anh gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, anh Dũng cho biết, trước khi làm trang trại, anh từng kinh doanh một số lĩnh vực nhưng không phù hợp. Nhận thấy một số bà con trong thôn bỏ ruộng, gây lãng phí, anh mạnh dạn thuê đất làm kinh tế trang trại. Năm 2016, anh Dũng thuê hơn 1,5 ha đất trồng cây ăn quả và nuôi chim bồ câu.
Theo anh Dũng, với thanh niên có được ý tưởng khởi nghiệp phù hợp đã khó nhưng khi thực hiện ý tưởng đó còn khó khăn hơn rất nhiều, bởi thanh niên còn thiếu kinh nghiệm và vốn. Năm 2018, với sự mày mò, tìm tòi, học hỏi cùng sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, anh Dũng được tiếp cận đến nguồn vốn khởi nghiệp với số tiền vay 1 tỷ đồng.
Anh Dũng chia sẻ, ngay từ khi bắt đầu làm trang trại, anh lựa chọn mô hình trồng cây ăn quả theo hướng an toàn. Anh sử dụng phân hữu cơ, tự làm phân bón vi sinh và không dùng hóa chất diệt cỏ. Đến nay, trang trại của anh trồng được hơn 1.000 gốc cây gồm bưởi, mít, nhãn, cam… và nuôi hơn 500 cặp chim bồ câu. Trừ chi phí, mỗi năm trang trại của anh cho lãi gần 300 triệu ồng.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2021 đợt dịch COVID-19 lần thứ 3 xuất hiện và sau đó đợt dịch lần thứ 4 xảy ra trên khắp địa bàn Bắc Ninh đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, xã hội của tỉnh. Theo đó, trang trại của anh Dũng cũng không ngoại lệ.
Anh Dũng tâm sự, khi chưa có dịch thường hơn 1 tháng, gia đình anh xuất bán hàng trăm cặp chim bồ câu thương phẩm cho nhà hàng và các đám cỗ với giá hơn 100.000/đôi. Tuy nhiên, khi dịch xảy ra, để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tất cả nhà hàng, điểm du lịch tạm dừng hoạt động. Vì vậy, chim đến lứa không thể xuất bán, cộng thêm chi phí mua thức ăn cho chim cũng tăng mạnh (tăng 30% so với trước), trong khi cây ăn quả chưa đến thời điểm thu hoạch hoặc có loại được thu hoạch nhưng không thể bán được khiến trang trại của anh khó khăn. Trong khi đó, đến tháng 7/2021, anh phải trả toàn bộ số tiền 1 tỷ đồng vay ngân hàng. Anh Dũng chia sẻ: “Tôi đã tính đến chuyện bán toàn bộ số chim bồ câu và nhượng lại một phần trang trại để trả lại số tiền đã vay. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn, tôi được giãn nợ 11 tháng. Chủ trương này được ví như phao cứu sinh, giúp tôi thoát khỏi khó khăn, tiếp tục lao động để thu xếp vốn trả ngân hàng trong thời gian tới”, anh Nguyễn Thế Dũng nói.
Cũng giống như trang trại của anh Dũng, mô hình khởi nghiệp của anh Lê Xuân Trường (sinh năm 1986, thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình) đang lao đao do ảnh hưởng của dịch bệnh. Anh Trường cho biết, từ năm 25 tuổi, anh đã nhập và sơ chế nguyên liệu từ tre, trúc, xuất bán đi khắp các tỉnh. Sau đó, anh dần mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng trang trí, mỹ thuật bằng tre trúc cho các khu nghỉ dưỡng, du lịch. Do cần mở rộng sản xuất, năm 2020, anh được tiếp cận và giải ngân vốn khởi nghiệp từ Quỹ khởi nghiệp của thanh niên với số tiền 330 triệu đồng, lãi suất 5%/năm, thời hạn 1 năm.
Chia sẻ về ý nghĩa của nguồn vốn này, anh Trường tâm sự: “Phát triển nghề làm tre trúc cần quy mô xưởng lớn để ngâm tre, rửa tre, xử lý mối mọt, cắt xẻ nguyên liệu tạo hình trang trí. Trước đây, để có vốn sản xuất, kinh doanh, tôi đã từng đi tìm hiểu tại nhiều ngân hàng nhưng lãi suất rất cao, thủ tục khó khăn. Khi tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp của thanh niên với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản và được giải ngân nhanh chóng”.
Tuy nhiên, do đối tác chủ yếu là khách hàng hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong khi từ năm 2020 đến nay, hầu hết các điểm du lịch đều đóng cửa hoặc hoạt động với quy mô nhỏ. Vì vậy, mặt hàng làm ra tiêu thụ chậm, các đơn hàng, hợp đồng cũng khó triển khai, doanh thu của anh giảm từ 5 tỷ đồng năm 2019 xuống còn hơn 3 tỷ đồng năm 2020. Những tháng đầu năm 2021, mặc dù hoạt động kinh doanh của xưởng có phục hồi nhưng cũng không đủ để anh nhập nguyên liệu và trả tiền nhân công.
Không đủ tiền đáo hạn ngân hàng trong tháng 7/2021, anh Trường đang loay hoay tìm giải pháp và được Tỉnh Đoàn cùng các cơ quan chức năng đồng ý giãn nợ vay đến tháng 5/2022. “Chủ trương này rất nhân văn, kịp thời, qua đó giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, có thêm thời gian, sử dụng vốn vay hiệu quả”, anh Trường nhấn mạnh.
Giúp các mô hình vượt khó
Đánh giá về sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến các mô hình khởi nghiệp, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyễn Đức Sâm nhấn mạnh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đa số các mô hình khởi nghiệp của thanh niên đều gặp khó khăn; đặc biệt là, các mô hình khởi nghiệp trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng cao cho chuỗi các siêu thị, nhà hàng. Chuỗi sản xuất, tiêu thụ bị đứt gãy do khó khăn trong vận chuyển, tìm đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm bán ra thị trường với giá thấp, tiêu thụ chậm dẫn đến chưa thu hồi vốn nên khó khăn trong xoay vòng vốn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Với vai trò là "bà đỡ" cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động sáng tạo, tháo gỡ khó khăn cho các mô hình khởi nghiệp như: tổ chức các hoạt động "san sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch"; hỗ trợ tiêu thụ gần 70 tấn nông sản cho các mô hình khởi nghiệp, nông dân trong khu phong tỏa, cách ly y tế; tổ chức các hoạt động tập huấn thông qua hình thức trực tuyến, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đảm bảo các nguồn vốn vay, hỗ trợ gia hạn vốn vay cho 10 mô hình khởi nghiệp với số tiền 7,1 tỷ đồng để các mô hình tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thêm 6 mô hình thanh niên khởi nghiệp mới với số tiền 4 tỷ đồng.
Để tiếp tục hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bắc Ninh sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giãn và hoãn nợ vay cho các mô hình khởi nghiệp khó khăn. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền, rà soát các doanh nghiệp, người lao động trong các mô hình thanh niên khởi nghiệp, quan tâm, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các mô hình đó.
Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh, một trong những việc làm thiết thực, hiệu quả là Bắc Ninh sẽ tăng cường tập huấn online kiến thức khởi nghiệp. Qua đó, trang bị thêm kỹ năng, kinh nghiệm khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần cải tiến, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh tăng cường kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình thông qua kênh đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh; tăng cường tiêu thụ sản phẩm, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh...