Tổng cục Thủy sản cho biết, theo hệ thống pháp luật về thủy sản trước năm 2017 có hàng chục nghìn tàu cá được hoạt động ở vùng khơi, tuy nhiên, khi Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì chỉ có những tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên được hoạt động tại vùng khơi.
Do đó, có 3.513 tàu cá có chiều dài dưới 15 mét, công suất từ 90CV trở lên không được cấp hạn ngạch khai thác tại vùng khơi theo quy định tại Nghị định số 26/2010/NĐ-CP; trong đó có 1.755 tàu đang được hưởng chính sách theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Để tháo gỡ khó khăn cho các tàu cá không được cấp hạn ngạch khai thác như đã nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về các quy định mới của Luật Thủy sản 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019, chú trọng hướng dẫn ngư dân thực hiện theo quy định về quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển và hoạt động kiêm nghề để đảm bảo sản xuất hiệu quả.
Đối với nhóm tàu cá có công suất từ 90CV trở lên nhưng chiều dài lớn nhất dưới 15 mét, các địa phương rà soát, thông báo cho chủ tàu, ngư dân đăng ký nhu cầu cải hoán tàu cá để có đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; tiến hành cấp văn bản chấp thuận cải hoán cho chủ tàu có nhu cầu để tiến hành cải hoán tàu cá theo quy định; cấp giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu khi tàu cá đã đủ điều kiện theo quy định trong số hạn ngạch giấy phép đã được giao theo Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS. Đồng thời, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; thời hạn báo cáo đề nghị cấp bổ sung hạn ngạch trước ngày 31/12/2019.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu của chủ tàu, được chuyển đổi nghề sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản trong tổng số hạn ngạch giấy phép khai thác được giao theo Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, không được chuyển đổi từ các nghề khác sang nghề lưới kéo, lưới rê.
Trước đó, ngày 2/5/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (31.541 giấy phép). Việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy định của quốc tế, nguồn lợi thủy sản, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động tại vùng khơi.
Đến nay, theo báo cáo của các tỉnh việc cấp giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi đang được thực hiện; riêng số tàu cá đã được cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, nâng cấp cần phải có lộ trình, thời gian để triển khai (thời hạn của văn bản chấp thuận có giá trị 12 tháng kể từ ngày ký).
Liên quan đến việc triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU, khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC), Tổng cục Thủy sản cho biết, đến nay khung pháp lý đã được hoàn thiện và được phía EC cơ bản đồng thuận; đã tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trước hết cho khối tàu có chiều dài từ 24 mét trở lên. Đồng thời, công bố danh sách 57 cảng cá chỉ định đủ điều kiện chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản; một số cảng cá đã thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, sản lượng thủy sản qua cảng theo quy định.
Tuy nhiên, việc giám sát tàu cá hoạt động trên biển, kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn chưa được thực hiện triệt để. Việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, giám sát việc bốc dỡ thủy sản tại cảng, kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam còn bất cập; việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; hồ sơ xác nhận nguồn gốc thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo hệ thống.
Do đó, Tổng cục Thủy sản yêu cầu các ban, ngành và địa phương tập trung triển khai các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, đây là điều kiện tiên quyết theo yêu cầu của EC nếu muốn gỡ “thẻ vàng”.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hạ tầng thông tin giám sát tàu cá kết nối từ Trung ương đến 28 tỉnh, thành phố ven biển để theo dõi, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi khai thác IUU; trong đó thực hiện đúng lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá kết nối với trạm bờ theo quy định tại Nghị định 26.
UBND các tỉnh, thành phố ven biển bố trí nguồn lực để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chống khai thác IUU như việc chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, sản lượng bốc dỡ tại cảng; xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là quyết liệt chỉ đạo chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài trước tháng 10 năm 2019.
Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tập trung rà soát, hoàn thiện toàn bộ hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguyên liệu thủy sản xuất khẩu đảm bảo tính hợp pháp; kết nối chia sẻ kịp thời dữ liệu tàu cá giữa các cơ quan chức năng để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc.
Tổng cục Thủy sản cũng yêu cầu các địa phương tập trung triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các quy định về chống khai thác IUU, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.