Mặc dù vậy, vẫn còn những khó khăn đi kèm cần được hỗ trợ trong quá trình hoạt động và đặc biệt là vấn đề hoàn trả vốn vay ngân hàng.
Cấp bách khắc phục tàu “nằm bờ”
Trước tình trạng một số tàu vỏ thép rơi vào tình trạng nằm bờ, hoặc hoạt động chưa hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh ven biển chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh, sớm khắc phục tình trạng này.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương ven biển tổ chức rà soát, đánh giá lại hiệu quả các tàu cá vay vốn đóng mới được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 67 đối với từng nhóm nghề, loại vật liệu đóng tàu.
Đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh thành lập đoàn công tác liên ngành để rà soát, đánh giá và có giải pháp giải quyết dứt điểm đối với những tàu hoạt động hiệu quả thấp, nằm bờ. Trường hợp nếu vượt quá thẩm quyền giải quyết thì tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ (thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, giải quyết.
Các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách trong Nghị định 67 và Nghị định số 17/2018 NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 để người dân biết, hiểu được chủ trương lớn của Chính phủ đối với người dân. Đồng thời, biểu dương các chủ tàu vay vốn đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động hiệu quả để phổ biến và nhân rộng.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, riêng tại tỉnh Cà Mau, lãnh đạo tỉnh cũng đã phân công Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá về hiệu quả hoạt động của tàu cá thuộc diện đóng mới. Đồng thời, tỉnh cũng biểu dương các chủ tàu hoạt động khai thác đạt hiệu quả cao để nhân rộng trong thời gian tới. Trong trường hợp phát hiện tàu cá hoạt động khai thác không hiệu quả, thường xuyên nằm bờ…, UBND tỉnh kiên quyết chỉ đạo xử lý dứt điểm, không để vụ việc kéo dài, gây ảnh hưởng đến mục tiêu, hiệu quả chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển đánh bắt xa bờ.
Giãn nợ tạo sinh kế cho ngư dân
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 67, đến nay các tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, để đóng mới, nâng cấp cho 1.973 tàu (đóng mới 1.535 tàu). Trong số tàu đóng mới có 367 tàu cá vỏ thép (chiếm 35,56%), 95 tàu cá vỏ composite (chiếm 9,20%), 716 tàu vỏ gỗ (chiếm 55,24%).
Nguồn vốn vay lớn, mức nợ khấu trừ thời gian đầu cũng không nhỏ, hầu hết ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 đều mong muốn các hạng mục cho vay và khấu trừ cho vay có thể sửa đổi cho phù hợp thực tế của ngư dân. Cụ thể, tất cả các khoản đều tính thời gian trả nợ từ 15 năm đến 20 năm, không áp dụng lãi phạt. Như vậy ngư dân mới tránh được những rủi ro nghề biển vốn không thể lường hết được.
Theo ông Trần Văn Mười, ngư dân tại Đà Nẵng, hiện nay chi phí hoạt động dành cho tàu vỏ thép cao gấp rưỡi đến gấp đôi tàu vỏ gỗ. Đồng thời, trong những thời điểm mưa bão, thiên tai, tàu khó hoạt động hiệu quả hoặc bị sự cố nằm bờ. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của ngư dân, chắc chắn ảnh hưởng đến huy động tiền trả nợ ngân hàng.
Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, mức trích khấu hao của các tàu vỏ thép, phía ngân hàng sẽ căn cứ theo Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về trích khấu hao tài sản. Tùy theo loại tài sản để tính thời gian trích khấu hao phù hợp. Theo đó, tàu cá vỏ thép, composite khấu hao 20 năm, phương tiện vận tải thủy khấu hao tối đa 15 năm, máy thủy mới 100% khấu hao 15 năm, máy phát điện mới 100% khấu hao 15 năm, máy phát điện đã qua sử dụng là 10 năm, hệ thống cứu hỏa - hút khô - làm mát - nước sinh hoạt, các trang thiết bị hàng hải - thông tin - cứu sinh, mới 100% là 7 năm, ngư lưới cụ khấu hao 5 năm.
Với việc tính toán thời gian trích khấu hao như trên, trong thời gian 5 năm đầu số tiền khấu hao sẽ nhiều hơn những năm sau, do các khoản mục khấu hao ngư lưới cụ, các thiết bị hàng hải... có thời gian khấu hao ngắn. Vì vậy, số tiền thu hồi nợ trong các kỳ hạn của 5 năm đầu sẽ cao hơn các năm sau.
Trong trường hợp ngư dân có nguyện vọng chia đều khoản vay để trả trong vòng 15 năm, đối với các trường hợp tàu cá thực sự đánh bắt không có hiệu quả, ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân từng trường hợp cụ thể và sẽ xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trong trường hợp này, theo quy định tại Nghị định 67, khách hàng sẽ không được hỗ trợ lãi suất trong thời hạn cơ cấu.