Hiện nay, cả nước có khoảng 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng. Thời gian qua, một số doanh nghiệp lợi dụng chức năng kinh doanh vàng đã liên kết với nhau làm giá, đầu cơ trên thị trường, tung tin thất thiệt ảnh hưởng tâm lý của người dân về giá vàng và ngoại tệ để đầu cơ trục lợi.
Nhiều yếu tố gây bất ổn thị trường
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các biến động trên thị trường vàng trong thời gian qua chủ yếu do giá vàng thế giới liên tục tăng cao, là một nguyên nhân làm tăng tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng. Thứ hai, tình hình kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát cao đã làm cho niềm tin của người dân vào giá trị đồng Việt Nam giảm sút; tâm lý mua, nắm giữ vàng gia tăng. Thứ ba, việc vàng miếng thương hiệu SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chiếm thị phần lớn (trên 90%) cũng tạo lợi thế độc quyền tự nhiên.
Nhà nước cần có cơ chế quản lý phù hợp để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, làm giá trong kinh doanh vàng. Ảnh: Lê Phú |
Ngoài ra, sự thiếu thống nhất trong các quy định về chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng cũng là một yếu tố gây bất ổn trên thị trường này. NHNN chỉ được giao quản lý một số hoạt động kinh doanh vàng có liên quan tới điều hành chính sách tiền tệ. Còn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh vàng chỉ cần thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại. Việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng trên thị trường do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm...
Do vậy, theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Công ty Vàng Agribank, Nhà nước cần có cơ chế quản lý phù hợp để ngăn ngừa việc đầu cơ xảy ra. Có chính sách thống nhất, phù hợp với diễn biến thị trường, tạo điều kiện cho thị trường phát triển bền vững.
Để quản lý thị trường vàng, NHNN đã chính thức trình Chính phủ Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mới. Trong Nghị định mới sẽ quy định chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng. Cụ thể, DN có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất... Với các điều kiện này, số lượng doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng sẽ giảm xuống đáng kể. Đồng thời, cũng quy định rõ việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Trúc cho rằng, không nên quy định những doanh nghiệp chiếm 25% thị phần mới được sản xuất vàng miếng. Vì hiện nay, chỉ riêng SJC đã chiếm tới 90% thị phần. Nếu quy định như vậy thì vô tình chúng ta đã tạo ra sự độc quyền, khiến thị trường thiếu lành mạnh.
Bên cạnh đó, ông Trúc cho rằng, NHNN có thể tạo ra một thương hiệu vàng mạnh, kinh doanh không vì lợi nhuận để điều tiết thị trường, chống độc quyền. Ngoài ra, cần hỗ trợ một số doanh nghiệp mạnh nâng cao thị phần, tạo cho người dân có thêm nhiều lựa chọn, chống độc quyền trên thị trường.
Thu hẹp đối tượng kinh doanh
Trong dự thảo Nghị định cũng sẽ thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Hiện hoạt động mua bán vàng miếng được thực hiện khá tự do tại hầu hết 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Theo đó, các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có hai năm kinh nghiệm trở lên... mới được kinh doanh. Với các điều kiện chặt chẽ này, dự kiến số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ thu hẹp đáng kể.
Tuy nhiên, ông Trúc cho rằng, cần tách bạch việc sản xuất, kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức thành hai loại hình để quản lý. Việc quy định chặt chẽ các điều khoản trong việc kinh doanh vàng miếng là cần thiết, nhưng không nên áp dụng cho cả việc sản xuất và kinh doanh vàng trang sức.
“Vì việc chế tác và kinh doanh vàng trang sức tạo ra công ăn việc làm cho người dân, hơn nữa vàng trang sức là nhu cầu thực của người dân, không tạo nên các cơn sốt cho thị trường vàng. Quản lý vàng trang sức thì cần thiết phải quản lý chất lượng, tuổi vàng... hơn là điều kiện kinh doanh”, ông Trúc nói.
“Nhiều nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc... cũng hạn chế DN kinh doanh vàng miếng, chủ yếu kinh doanh vàng trang sức. Chỉ các công ty lớn mới được kinh doanh vàng miếng”, ông Trúc cho biết thêm.
NHNN cũng sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, hoạt động kinh vàng trên tài khoản. Bên cạnh đó, NHNN thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường và điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế.
Những giải pháp trên của NHNN được trông đợi sẽ “cắt” được các cơn sốt vô lý trên thị trường vàng trong thời gian qua, chấm dứt tình trạng chênh lệch giá giữa thị trường trong và ngoài nước, không để vàng kém chất lượng ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.
Ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín- Minh Châu: Chống độc quyền trên thị trường
Theo Dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì chỉ có Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn-SJC (chiếm 90% thị phần của cả nước) mới đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất vàng miếng. Như vậy sẽ làm thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng hiện tại; tổn hại uy tín cho các thương hiệu vàng khác như: vàng AAA của Agribank; vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín- Minh Châu.... vì vàng SJC chiếm tới 90% thị phần.
Hơn nữa, một số người dân có tâm lý hoang mang về việc nên giữ hay bán vàng miếng trong thời điểm này nếu như các doanh nghiệp bị thu hẹp kinh doanh và không được sản xuất vàng nữa.
Tôi cho rằng, trước đây có 8- 9 thương hiệu vàng lớn trên thị trường mà còn xảy ra tình trạng khan hiếm vàng, nếu chỉ tập trung cho một thương hiệu vàng, độc quyền sản xuất vàng thì không ổn.
Đối với mặt hàng vàng trang sức, tôi cho rằng: Nhà nước quản lý chặt và cấp phép là hợp lý. Điều này sẽ bảo đảm được quyền lợi của người dân khi mua sản phẩm vàng có chất lượng. Tránh tình trạng người dân mua phải vàng trang sức không đủ tuổi như giá niêm yết hoặc bị rút tỷ lệ vàng mà không biết.
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế Việt Nam): Không cho tư nhân “độc quyền” vàng
Dự thảo Nghị định nêu: Chỉ những doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thị phần trong nước trong 3 năm gần nhất mới được xem xét cho sản xuất, gia công vàng miếng. Điều này đồng nghĩa với việc những công ty sản xuất vàng khó có thể đáp ứng được đủ điều kiện.
Tôi cho rằng, NHNN phải thành lập hoặc ủy quyền cho một đơn vị trực thuộc để sản xuất vàng miếng chứ không nên để doanh nghiệp tư nhân độc quyền sản xuất vàng miếng.
Nếu Dự thảo được thông qua, tôi cho rằng thị trường vàng cũng sẽ không bị tác động nhiều. Có chăng chỉ là thu hẹp đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng nhỏ. Những doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng theo yêu cầu phải có vốn 100 tỷ đồng, nếu không đáp ứng được nên chuyển hướng kinh doanh vàng trang sức. Tuy nhiên theo tôi, với những doanh nghiệp này thì NHNN không cần phải quản lý chặt bằng việc cấp phép bởi vàng trang sức được xem là hàng hóa. Và như vậy, họ chỉ cần đăng ký giấy phép kinh doanh là đủ. |
Hữu Vinh- Minh Phương