Đồng thời, các giám đốc tài chính (CFO) phải sẵn sàng và chuẩn bị cho sự thay đổi để tạo nên sự khác biệt của doanh nghiệp. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị CFO Thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Chuyển đổi Tài chính trong Kỷ nguyên Số” ở Tp. Hồ Chí Minh, trong hai ngày 15 – 16/11.
Công nghệ hướng đến khách hàng
Thống kê cho thấy, các chủ doanh nghiệp nhỏ thường bị quá tải với rất nhiều công việc và họ rất ít thời gian để quản lý tài chính, trong khi vấn đề quản lý tài chính có thể dẫn đến sự thành công và thất bại của doanh nghiệp. Cụ thể, có khoảng 80% doanh nghiệp kinh doanh không thành công hay phá sản thì phần lớn đến từ nguyên nhân do không thể quản lý tốt dòng tiền của họ. Do đó, đòi hỏi cách thức quản lý hiệu quả của các giám đốc tài chính.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Giám đốc Tài chính, Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) cho rằng, công nghệ phải hướng đến phục vụ con người và ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính không nằm ngoài mục tiêu đó là hướng đến phục vụ khách hàng tốt hơn. Việc ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động điều hành, quản lý tài chính thật sự quan trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, thay đổi tư duy Ban lãnh đạo và đội ngũ người lao động đã rất khó, nhưng trong triển khai vẫn còn một số rào cản về an ninh mạng, quan ngại sở hữu trí tuệ… dẫn đến thách thức thực thị trong thực tiễn. Bên cạnh đó, diễn biến thị trường cũng tác động không nhỏ đến xu hướng ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tài chính, đặc biệt, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều công nghệ mới đang nổi lên.
Hiện nay, vấn đề cạnh tranh là toàn cầu, chứ không thể chỉ nghĩ về thị trường Việt Nam hay khu vực. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải có tầm nhìn và sẵn sàng hướng về tương lai là thị trường thương mại tự do và chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, không nên tự tin rằng, mô hình kinh doanh của mình là duy nhất, mà cần cập nhật thông tin và tiếp cận những phương thức kinh doanh, đầu tư mới.
Tiến sĩ Conchita L. Manabat, Chủ tịch Hội đồng cố vấn IAFEI đánh giá, công nghệ đã và đang tạo làn sóng thay đổi doanh nghiệp; trong đó, có lĩnh vực quản lý tài chính, nhưng bản chất sản phẩm, dịch vụ vẫn như vậy. Do đó, vấn đề quan tâm là lợi nhuận, nên doanh nghiệp cần xem xét về vấn đề Bigdata, AI, Blockchain… có thể thay thế một số công việc của giám đốc tài chính.
Điển hình, đối với công việc phổ biến của giám đốc tài chính là chốt sổ sách, thì hiện nay công nghệ thay thế được khoảng 98% nếu cung cấp đầy đủ thông tin, cơ sở dữ liệu... Nhưng, về khả năng tư duy chiến lược thì công nghệ không thể thay thế được và muốn nâng cao năng suất của công nghệ thì cần hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn xác.
Đảm bảo an toàn dữ liệu
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với Bigdata, AI, Blockchain…, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang mạnh dạn ứng dụng công nghệ và thay đổi tư duy vận hành doanh nghiệp, cũng như quản lý tài chính. Theo đó, đối với Giám đốc tài chính là những người quen với phương thức truyền thống vẫn còn quan ngại về mức độ chính xác của quá trình từ lúc sản xuất, ra sản phẩm thì định mức nguyên liệu, kiểm kê thành phẩm… khi ứng dụng công nghệ hay robot.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Tài chính, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, hiện nay, từ khâu nguyên liệu đến sản xuất cho ra thành phẩm, Vinamilk đã ứng dụng những công nghệ hàng đầu trên thế giới. Đơn cử, việc chăn nuôi từ khâu thức ăn đến khai thác sữa đều ứng dụng robot và quy trình tự động, tiết giảm nguồn nhân lực và đảm bảo nguồn nhân lực cao. Về mặt sản xuất, Vinamilk có 13 nhà máy ở Việt Nam, 3 nhà máy (Mỹ, Campuchia, Australia)… đều sử dụng công nghệ tự động từ khâu nguyên vật liệu cho đến khâu đưa sản phẩm vào kho.
Khi khởi động và bắt đầu làm điều gì đó, thì dần dần bộ máy sẽ nhận biết và dần dần thích nghi. Yếu tố quan trọng trong xây dựng hệ thống dữ liệu trên nền tảng dữ liệu bị phân tán ở nhiều bộ phận khác ngay trong doanh nghiệp đòi hỏi xác định loại hình dữ liệu cần thiết và tập trung một cổng, một nguồn, hoặc có đơn vị chuyên trách.
Theo bà Fu Jianhua, Phó Chủ tịch Yonyou Network, trong thời điểm có rất nhiều công nghệ, kỹ thuật mới… thúc đẩy số hóa đối với quy trình quản lý sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, nhất là chuyển đổi tài chính, kế toán trong công ty. Cụ thể, trước ảnh hưởng của kỹ thuật số trong thời đại mới, vậy doanh nghiệp sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh như thế nào để duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch RSM Việt Nam nhấn mạnh, điều trước tiên doanh nghiệp cần là làm sao nhân viên tham gia vào sự chuyển đổi và đảm bảo những công nghệ mới đưa vào công ty tương thích. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu phát triển nhưng an toàn thông tin, không rủi ro về bảo mật trong tương lai.
Đối với những công nghệ mới còn đối mặt với hệ thống pháp lý, cơ chế chính sách quản lý, quy định thuế… chưa theo kịp làn sóng phát triển nhanh của công nghệ. Ngoài ra, có nhiều vấn đề về khung pháp luật tại nhiều quốc gia cần độ trễ vài năm để theo kịp thực tiễn, do đó, rào cản ứng dụng công nghệ không chỉ đến từ nội tại doanh nghiệp mà còn từ môi trường bên ngoài.
Còn đối với việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận hành doanh nghiệp, quản trị tài chính, ông Shabbir Imani, Giám đốc và Đồng sáng lập Tập đoàn Expenzing cho rằng, các doanh nghiệp đã thu thập nhiều dữ liệu, nhưng chưa đủ nguồn lực đầu tư kiểm soát nội bộ và đảm bảo an ninh bảo mật thông tin, thì cần chủ động lượng hoá giá trị đầu tư công nghệ bằng tầm nhìn hoàn vốn.
Đồng thời, tùy thuộc vào lĩnh vực đang hoạt động và từ nội lực công ty, mà doanh nghiệp chọn lựa những mảng nào nguy cấp cần đầu tư, còn những lĩnh vực nào có thể chờ để cân đối tài chính hợp lý cho các dự án. Quản lý tài chính hay quản lý bất kỳ lĩnh vực nào, thì các Giám đốc tài chính cũng cần lượng hóa những khoảng giá trị từ nguồn vốn đầu tư của mình.