Theo đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu tư vấn giám sát tại Dự án hoàn thiện báo cáo quá trình thực hiện Dự án gửi về Cục. Yêu cầu Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa chủ động rà soát, đình chỉ hoạt động của đơn vị Tư vấn giám sát (Công ty cổ phần thương mại đầu tư và xây dựng Văn Lang) từ 1/4/2017. Tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát mới tuân thủ theo các quy định hiện hành. Yêu cầu hoàn thành và báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trước ngày 5/4/2017.
Một tàu hút cát nạo vét luồng biển Cửa Đại. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN |
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng quyết định đình chỉ công tác Ban chỉ huy công trường tại dự án. Yêu cầu các cá nhân báo cáo tường trình, kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm đối với việc quản lý, giám sát thực hiện dự án. Đồng thời Cục cũng quyết định thành lập Ban chỉ huy công trường mới để điều hành Dự án từ 1/4/2017.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường thủy cho biết, sau khi có báo chí phản ánh về tình trạng có hay không việc lợi dụng thi công dự án nạo vét tại Cửa Đại, các đơn vị thi công khai thác cát vận chuyển ra bán tại Đà Nẵng, Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa đã họp với các bên liên quan xác nhận khối lượng ngày 27/3/2017.
“Theo đó, khối lượng thực hiện với dự án nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại trên tuyến Hội An – Cù Lao Chàm do Ban Quản lý dự án Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư là 16.534,7m3, do Công ty cổ phần xây dựng công trình đường thủy Thuận Lưu thi công từ ngày 4/3/2017-25/3/2017”, đại diện Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa cho hay và thông tin thêm “Tổng khối lượng thực hiện trong phạm vi dự án nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại trên tuyến Hội An – Cù Lao Chàm (TP. Hội An) và đổ về bãi đổ được chấp thuận với khối lượng thực hiện từ ngày 20/2/2017 đến này 25/3/2017 là 71.624,85m3, trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng Hội An là 55.090,15m3 và Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa là 16.534,7m3).
“Như vậy, khối lượng 71.624,85m3 như báo cáo ban đầu của Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa là hoàn toàn chính xác, không có sự chênh lệch như báo chí nêu”, đại diện Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa khẳng định.
Giải trình về nghi vấn cho rằng lượng cát trộm tại Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam) có thể lấy từ dự án do Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) đang triển khai, đại diện Ban Quản lý dự án Đường thủy nội địa khẳng định, việc các tàu thi công dự án do Ban Quản lý dự án Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư vận chuyển cát ra Đà Nẵng là khó có thể xảy ra với các lý do cụ thể như việc kiểm soát khối lượng được thực hiện chặt chẽ và đầy đủ. Sau thời gian thi công, tàu đã về vị trí neo đậu theo yêu cầu.
“Cụ thể, Công ty cổ phần Xây dựng công trình đường thủy Thuận Lưu đã hợp đồng thuê các tàu NĐ 2887, NĐ 1794, NĐ 2245 và NĐ 1211 thực hiện thi công tại dự án. Các tàu này có công suất nhỏ từ 44CV đến 112CV, khối lượng vận chuyển nhỏ từ 140-245,9m3. Mặt khác, trong thời gian thi công tại dự án, nhà thầu thi công quản lý, hướng dẫn các tàu trên tham gia nạo vét đúng vị trí và vận chuyển và bơm lên bãi thải đúng quy định”, đại diện Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa thông tin.
Đặc biệt, đại diện Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa khẳng định, trong khoảng thời gian thi công theo quy định (từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều), việc kiểm soát khối lượng được thực hiện rất chặt chẽ. Khi các tàu thi công trong phạm vi tuyến hút đầy cát, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát thông báo cho đơn vị tiếp nhận (Tư vấn giám sát của ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng Hội An) về số hiệu tàu và khối lượng, trong khoảng thời gian 1 giờ, nếu bên tiếp nhận không thấy tàu được báo về đổ tại bãi đổ sẽ kiểm tra và thông báo cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trong quá trình nạo vét tuyến luồng, toàn bộ các tàu đều nạo vét trong phạm vi tuyến luồng và về vị trí đố thải theo đúng quy định.
Dự án nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại trên tuyến Hội An – Cù Lao Chàm với mục tiêu nạo vét đảm bảo giao thông khu vực Cửa Đại trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Hội An – Cù Lao Chàm với bề rộng luồng 40m, độ sâu 4m, chi phí thực hiện dự án hơn 12 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước. Đơn vị thi công là liên danh Công ty TNHH MTV Phạm Văn – Công ty cổ phần xây dựng công trình đường thủy Thuận Lưu – Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam.