Sau ngót 30 năm bắt tay vào công cuộc đổi mới kể từ năm 1986, Việt Nam đã từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế-xã hội của thời kỳ hậu chiến, dần xóa bỏ tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.
Tại các cuộc hội thảo quốc tế diễn ra trong cũng như ngoài nước thời gian gần đây, nhiều nhà quản lý, học giả nước ngoài ghi nhận những thành quả mà Việt Nam đã đạt được, đặc biệt có nhà nghiên cứu đánh giá Việt Nam rất thành công trong công cuộc đổi mới.
Trong cuộc Hội thảo quốc tế "Cải cách kinh tế vì tăng trưởng và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam", do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức vào năm ngoái, với sự tham dự của nhiều chuyên gia, học giả quốc tế có uy tín như GS. Rob Lawrence, Đại học Harvard, GS. Shahid Yusuf, Đại học George Washington, GS. Gary Jefferson, Đại học Brandeis, TS. Bhanupong Nidhiprabha, Đại học Thammasat…, bà Helen Clark, Tổng giám đốc UNDP, khẳng định những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được trong gần 30 năm qua là rất ấn tượng.
Dây chuyền sản xuất gạch ốp lát tại nhà máy Prime Đại Việt. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Bà Helen Clark cho rằng hội thảo diễn ra vào một thời điểm quan trọng đối với Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3% từ năm 1990 đến năm 2010, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người vào cuối hai thập niên này gấp gần năm lần so với đầu thập niên. Tỷ lệ số người cực nghèo đã giảm từ 63,7% vào năm 1993 xuống 4,3% vào năm 2010. Hơn 97% số hộ gia đình Việt Nam đã được sử dụng điện và các nguồn năng lượng mới khác. Tiến bộ quan trọng về bình đẳng giới, trong đó có giáo dục, việc làm và y tế, cũng đã đạt được.
Tuy nhiên, theo bà Helen Clark, nhịp độ tăng trưởng hiện nay thấp hơn trước, với năng suất và cạnh tranh yếu hơn dường như là những yếu tố đáng kể làm hạn chế tăng trưởng kinh tế. Mô hình phát triển của Việt Nam do đó đang được đánh giá lại và các biện pháp quan trọng đã được thực hiện. Hiện nay, Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng và thực hiện các bước tiếp theo về cải cách cơ cấu và thể chế nhằm bảo đảm tiếp tục những tiến bộ về phát triển và tăng cường năng lực để hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Bà Helen Clark đánh giá Việt Nam có nhiều thế mạnh, như lực lượng lao động tương đối trẻ và có khả năng cạnh tranh, nguồn tài nguyên phong phú và vị trí địa lý nằm ở trung tâm của một khu vực năng động. Bà tin tưởng rằng với những lựa chọn chính sách sáng suốt, Việt Nam sẽ có một tương lai tươi sáng. Theo bà, trong quá trình lựa chọn các cải cách cho giai đoạn tiếp theo, Việt Nam có thể lựa chọn một chiến lược phát triển bền vững và sâu rộng.
Bà Helen Clark kêu gọi Việt Nam mở cửa nền kinh tế hơn nữa để tăng cường khả năng cạnh tranh. Theo bà, để có thể đạt được những tiến bộ về kinh tế thì Việt Nam cần ưu tiên cho việc cải cách. Bà nói rằng bà đến từ Neww Zealand, một quốc gia mà khu vực nhà nước là rất lớn và trong nhiều năm, lĩnh vực này đã được tư nhân hóa một phần và nhờ đó đã tăng được khả năng cạnh tranh. Bà nói luôn có những nhóm lợi ích trong nền kinh tế, đặc biệt là trong những lĩnh vực có tình trạng độc quyền hay gần như độc quyền, nhưng nếu Việt Nam khuyến khích được sự cạnh tranh trong nền kinh tế, người tiêu dùng sẽ được lợi nhờ giá cả rẻ hơn và sự đổi mới.
Đến tháng Hai năm nay, tại thủ đô Paris của Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp với Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Viện quan hệ quốc tế của Pháp (IFRI) tổ chức hội thảo "Cải cách kinh tế Việt Nam: Vai trò của các đối tác chiến lược mới". Hội thảo nhằm nêu bật các thành tựu trên nhiều lĩnh vực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những năm qua, giới thiệu các cải cách đang được Chính phủ Việt Nam tiến hành nhằm giúp kinh tế đất nước phát huy các lợi thế, tận dụng các cơ hội để vượt qua các thách thức trong liên kết khu vực và thế giới. Hội thảo được tổ chức tại trụ sở IFRI, một trong những cơ quan nghiên cứu cao cấp và có uy tín nhất của Pháp, cho thấy những thành tựu trong phát triển kinh tế của Việt Nam đang được dư luận quốc tế quan tâm theo dõi.
Đáng chú ý, tại hội thảo, luật sư Oliver Massmann - Tổng Giám đốc Công ty luật Duane Morris Vietnam LLC- đã trình bày bản tham luận có tiêu đề "Các nỗ lực cải cách của Việt Nam vì mục tiêu phát triển mạnh mẽ". Bản tham luận đã cung cấp cho các cử tọa bức tranh kinh tế Việt Nam với các kết quả lạc quan, đáng khích lệ trong năm 2014. Luật sư Oliver Massmann đã nói đến sự thay đổi rất tích cực ở Việt Nam trong 25 năm ông sống và làm việc. Đó là từ chỗ là nước còn rất nghèo, phải nhập khẩu gạo khi ông đến vào năm 1990, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ông bày tỏ sự lạc quan về những cải cách đang diễn ra và tin rằng nhiều cải cách sẽ được tiếp tục trong thời gian tới, giúp Việt Nam đạt được bước tiến mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tiếp đó, vào tháng Tư, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “40 năm thống nhất đất nước với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế”, với sự tham gia của nhiều học giả đến từ nước Anh, Nga, Pháp, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tại hội thảo, ông Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Saint Petersburg (Nga), nói Việt Nam đã thực hiện rất thành công công cuộc đổi mới, trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, ông cũng nhận mạnh rằng có những nguy cơ và rủi ro, chính vì vậy, Việt Nam đang thực hiện chính sách đa dạng hóa với một trong những hướng chính là hòa nhập khu vực và đây là điều rất quan trọng.
Cũng trong tháng Tư, hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Việt Nam - 40 năm thống nhất, phát triển và hội nhập (1975-2015)” đã diễn ra tại Bình Dương, do bốn trường đại học là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) và trường Đại học Khoa học-Đại học Huế, phối hợp tổ chức. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu tham gia với hơn 300 tham luận, trong đó có 20 tham luận của các học giả đến từ Mỹ, Pháp, Australia, Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia… Nhiều học giả, nhà nghiên cứu tại hội thảo đưa ra chung một nhận định: Từ 30 năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang đi trên con đường đổi mới, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, an ninh, quốc phòng. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã và đang phát triển với tốc độ nhanh trên quy mô ngày càng lớn và toàn diện theo đúng yêu cầu phát triển tiến bộ của lịch sử dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nhiều học giả khi nghiên cứu đã chỉ ra những thách thức của xu thế toàn cầu hóa mà Việt Nam cần nhận diện toàn diện hơn để có giải pháp phù hợp.
Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Tsuboi Yoshiharu, Đại học Waseda của Nhật Bản cho rằng môi trường quốc tế xung quanh Việt Nam thay đổi nhanh chóng, chẳng hạn như Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang trong quá trình tạo lập và các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã gần về đích. Theo ông, Việt Nam cần phải có những tầm nhìn dài hơn với kế hoạch 30 năm, 50 năm, thay vì là các kế hoạch 5 năm, 10 năm như trước. Ông mong muốn Việt Nam có thể đưa ra một tầm nhìn cụ thể trong 50 năm tới để trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong các nước ASEAN, có vị trí trên thế giới.