Liên kết vùng nhằm góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, đưa vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển là một chủ trương lớn có tầm nhìn chiến lược. Một trong những hoạt động rõ nét nhất chính là Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là MDEC) tổ chức luân phiên hàng năm theo Quyết định số 8/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã trả lời phỏng vấn báo Tin Tức về vấn đề này.Đồng chí có ý kiến gì về vai trò “nhạc trưởng” của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong việc xây dựng liên kết vùng, đặc biệt là điều phối trong quy hoạch và bố trí lại lực lượng sản xuất, cây, con giống... và phân phối vốn đầu tư cho vùng?Với chức năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về cơ chế, chính sách cùng các giải pháp cần chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị; đặt biệt có nhiệm vụ liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong vùng, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để xúc tiến kêu gọi đầu tư ngoài nước, trong đó nổi bật là thành lập Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) hàng năm theo Quyết định số 8/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. |
Mới đây nhất, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Dự thảo Quy chế thí điểm liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2014 - 2019 trình Thủ tướng Chính phủ với mục đích khai thác, phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn theo lợi thế của từng địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Quá trình này nhằm xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp từng bước hiện đại gắn với sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, ổn định, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, đồng thời ổn định quốc phòng, an ninh và ứng phó biến đổi khí hậu.
Giai đoạn thí điểm của liên kết vùng tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như hoàn thiện mạng lưới giao thông, thủy lợi, hạ tầng sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản và các lĩnh vực xã hội đã được phê duyệt. Ưu tiên phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng, nâng cao chất lượng cho các sản phẩm chủ lực của vùng gồm lúa gạo, trái cây, tôm - cá. Trong thời gian tới vùng ĐBSCL hợp tác chung trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước sông Cửu Long nhằm phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt toàn vùng, hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Trong quá trình này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã và đang phối hợp làm tốt vai trò đầu mối, “phối hợp và đồng hành” cùng các địa phương sao cho đạt được các mục tiêu phát triển chung của vùng.
Vậy MDEC đã góp phần giúp các tỉnh tạo một liên kết ra sao, thưa đồng chí?MDEC là diễn đàn “nói và làm” thông qua các hoạt động liên kết mở, nhằm chia sẻ thông tin, tăng tính hợp tác trong liên kết vùng, liên vùng và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Kết nối ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tăng cường hợp tác quốc tế, tập hợp những sáng kiến, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới, sát hợp thực tiễn. Qua đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, chất lượng và bền vững của vùng.
Qua các kỳ tổ chức, diễn đàn đã xây dựng được một tuyên bố chung, trong đó đã đưa ra những cam kết, nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện giữa địa phương trong vùng, các bộ, ngành Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ngay sau khi kết thúc MDEC, Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên, Ban Thư ký MDEC đã tích cực triển khai thực hiện nội dung tuyên bố chung.
Tại MDEC - Sóc Trăng 2014 các thành viên Ban Chỉ đạo đã cam kết thống nhất triển khai thực hiện liên kết vùng ĐBSCL thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng giai đoạn 2015 - 2020; trong đó chọn những lĩnh vực đột phá để phát triển vùng là phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết vùng, quy mô lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, chế biến, tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Tăng cường hợp tác nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL.
Sản phẩm trái cây đặc sản vùng ĐBSCL luôn thu hút sự quan tâm của du khách trong hội chợ của Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng ĐBSCL - MDEC Sóc Trăng 2014. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN. |
Qua đó, đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập bộ phận đầu mối, điều phối các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Củng cố thị trường truyền thống, tiếp cận và mở rộng các thị trường tiềm năng nhằm xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của vùng ĐBSCL. Bám sát các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với các nước, trong đó có nội dung liên quan đến ĐBSCL. Tổ chức các chương trình xúc tiến nói chung, trong đó tập trung xúc tiến đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL trong và ngoài nước. Năm 2015 bố trí vốn xúc tiến đầu tư nước ngoài tại một số nước trên thế giới. Tổ chức sơ kết hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh. Ký kết hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL do
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm đại diện với thủ đô Hà Nội vào năm 2015. Triển khai thực hiện Tuyên bố chung MDEC - Sóc Trăng 2014, làm cơ sở thúc đẩy phát triển mạnh mẽ vùng ĐBSCL. Phối hợp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội vùng ĐBSCL năm 2015 và các năm tiếp theo.
Nhiều ý kiến của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL kiến nghị phải xây dựng chương trình liên kết vùng thật cụ thể. Đồng chí có ý kiến gì về vấn đề này?Liên kết vùng trong vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết và đã được khẳng định như một quá trình tất yếu.
Trong quản lý liên kết và phát triển vùng, có ba yếu tố quan trọng: Chính sách vùng, công cụ - nguồn lực tài chính và cơ chế quản lý phối hợp. Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành và hình thành hệ thống chủ trương, định hướng và chính sách phát triển vùng ĐBSCL qua việc ban hành các Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch phát triển và qui hoạch vùng ĐBSCL. Nhưng thời gian qua, việc tổ chức thực hiện lại phụ thuộc quá nhiều vào các cơ quan Trung ương và địa phương.
Những hoạt động tích cực gần đây của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng chỉ là sự phối hợp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các bộ, ngành và địa phương trong 3 lĩnh vực đột phá của vùng như phát triển: Giao thông, thủy lợi, giáo dục - đào tạo và dạy nghề, cụm tuyến dân cư vượt lũ, các công trình trọng điểm trên địa bàn vùng... Do đó, việc hình thành một tổ chức chỉ đạo, quản lý điều hành cấp vùng đang là vấn đề cần được nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở hoàn thiện một số mô hình hiện hữu như một số hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhằm xây dựng cơ chế, tính pháp lý hoàn thiện tốt nhất trong quản lý, điều phối liên kết toàn vùng trong thời gian tới.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tiếp tục phát huy vai trò đầu mối trong điều phối liên kết vùng giữa các địa phương trong khu vực ĐBSCL; giữa vùng với các bộ, ngành Trung ương; giữa vùng với các vùng miền khác trong cả nước và quốc tế. Đặc biệt là đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về các công trình, dự án trọng điểm trong các lĩnh vực mang tính liên vùng; liên kết toàn vùng trong phát triển các sản phẩm chủ lực: Lúa gạo, thủy sản và trái cây. Chủ trì, làm đầu mối kiểm tra, đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo MDEC tại các bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện các cam kết và nhiệm vụ cụ thể đưa ra tại Tuyên bố chung MDEC - Sóc Trăng 2014. Chủ trì, phối hợp với các địa phương ký kết hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL với Thủ đô Hà Nội.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!Thái Bình (thực hiện)