Thêm cạnh tranh khi đồng nhân dân tệ bị phá giá

Sau nhiều lần Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) từ đầu năm đến nay, ngày 30/5 tỷ giá tham chiếu của đồng NDT đã giảm xuống còn 6,5784 NDT/USD, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp (DN), sự phá giá của đồng NDT ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước nói chung và các DN nói riêng.

Nguy cơ nhập siêu tăng mạnh

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, trước mỗi kỳ cuộc họp tăng lãi suất của FED, Trung Quốc đều có động thái rất rõ ràng là phá giá đồng NDT. Mục tiêu này nhằm ngăn chặn sự tăng lãi suất của FED để không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Bởi hiện nay, Trung Quốc đang dự trữ một tỷ lệ rất lớn trái phiếu chính phủ của Mỹ. Mục tiêu thứ 2 của Trung Quốc khi phá giá đồng NDT nữa chính là khuyến khích thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân trong thời gian qua, thị trường kinh tế trong nước của Trung Quốc đang khó khăn.Vì thế, việc phá giá NDT để tăng lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc.

Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Đồng Phát tại Khu Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội), chuyên sản xuất các loại sợi 100% cotton, xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…Ảnh: Danh Lam - TTXVN

TS Bùi Quang Tín cho rằng, chính sự tăng cạnh tranh xuất khẩu khi Trung Quốc phá giá đồng NDT, DN nhập khẩu Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế. Bởi hiện nay, các nguồn nguyên phụ liệu Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc. Theo đó, khi nguồn nguyên liệu Trung Quốc rẻ thì giá thành sản xuất các sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường nước khác sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực cũng có những mặt tiêu cực lớn, đó là Việt Nam sẽ có nguy cơ nhập siêu lớn, chủ yếu từ thị trường này. Có thể thấy, năm 2015 Việt Nam đã nhập siêu các mặt hàng từ Trung Quốc đến 40 tỷ USD, từ đầu năm đến nay nhập siêu đã gần 20 tỷ USD. Với sự phá giá này, từ nay đến cuối năm có thể tăng hơn gấp đôi. Và tất nhiên, thị trường trong nước cũng sẽ ngập tràn hàng tiêu dùng Trung Quốc, gây khó khăn cho DN nội khi phải cạnh tranh, đặc biệt là hàng tiêu dùng. Chưa kể, những DN Việt Nam cũng khó khăn khi nhập hàng từ nước khác vào thị trường nội địa, phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Xuất khẩu chưa ảnh hưởng nhiều

Theo các chuyên gia, áp lực cạnh tranh ở thị trường nội địa là có, nhưng với thị trường xuất khẩu đến thời điểm này, một số DN Việt Nam xuất khẩu nông sản, gỗ, thủy sản, dệt may cho rằng, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT có thể chưa ảnh hưởng nhiều. Ông Trương Đình Vấn, Phó Giám đốc Công ty Dệt May Châu Giang (Hà Nam), cho rằng những DN chỉ chuyên về gia công, được đối tác cung cấp nguyên phụ liệu từ đầu đến cuối như May Châu Giang thì sẽ không ảnh hưởng.

Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho biết, mặc dù Trung Quốc là một thị trường lớn về xuất khẩu mặt hàng rau quả, chiếm khoảng 50% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam với nhiều loại như: thanh long, dưa hấu, xoài, chuối... Nhưng DN hầu hết đều ký hợp đồng xuất khẩu trả bằng đồng USD nên không đáng ngại và không ảnh hưởng nhiều. Tương tự, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng không tỏ ra lo lắng việc Trung Quốc giảm giá đồng NDT vì DN chủ yếu giao dịch bằng đồng USD. “Từ đầu năm đến nay các DN Trung Quốc ép giá nhập khẩu gỗ 5 - 7 USD/tấn, kèm theo việc Việt Nam áp thuế 2% đối với gỗ xuất khẩu nên nhiều DN không còn mặn mà xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc. Qua 4 tháng đầu năm 2016, lượng gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 8% và còn giảm nữa”, ông Quyền cho biết thêm.

Còn theo ông Trương Đình Hòa, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ không nhiều, khoảng 10% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tính 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam khoảng 2 tỷ USD, trong đó xuất sang Trung Quốc khoảng 200 triệu USD. “Vì thế, dù việc phá giá đồng NDT có ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu nói chung, nhưng ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không nhiều. Hơn nữa, tỉ giá biến động liên tục, lúc lên lúc xuống nên cần có thêm thời gian để đánh giá”, ông Hòa nói.

Thế nhưng, theo TS Bùi Quang Tín thì DN xuất khẩu nên có sự chuẩn bị ứng phó để vượt “bão” sự phá giá đồng NDT. Bởi hệ lụy dây chuyền khi đồng NDT phá giá sẽ kéo theo các đồng tiền ở các nước khác bị phá giá theo như năm 2015. Như vậy, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đi các nước, đặc biệt là những nơi Việt Nam xuất khẩu đến đều có sự cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc. “Mặc dù mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái kịp thời là tăng tỷ giá VND/USD lên khoảng 0,7%, tức 22.300 đồng/USD lên 22.430 đồng/USD. Tuy nhiên, so với mức phá giá của đồng NDT và các nước không thấm vào đâu. Dự kiến, mức phá giá tiền tệ ở các nước sẽ lên từ 5 -10%, thậm chí có thể lên đến khoảng 20%. Theo đó, DN xuất khẩu Việt Nam chắc chắn sẽ rất mệt mỏi vì cạnh tranh từ nhiều phía”, TS Tín chia sẻ.

“Việt Nam là nước có thế mạnh về ngành dệt may. Tuy nhiên, phần lớn lại nhập nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Vì thế, tuy giá thành nhập khẩu có rẻ hơn so với trước nhưng bên cạnh đó, các DN dệt may xuất khẩu sẽ phải cạnh tranh hơn tại những thị trường mà cả Trung Quốc và Việt Nam tham gia xuất khẩu” 

Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam.


Hải Yên - Hữu Vinh - Nam Hoàng
Doanh nghiệp đắn đo với tỷ giá đồng nhân dân tệ
Doanh nghiệp đắn đo với tỷ giá đồng nhân dân tệ

Trả lời câu hỏi về những tác động của việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ (NDT) trong sáng 30/5 đã giảm 294 điểm cơ bản xuống 6,5784 NDT/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2011, nhìn chung các doanh nghiệp có giao dịch với đối tác Trung Quốc đều cho rằng, việc này sẽ tác động ít nhiều đến hoạt động kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN