Thêm thời gian mua tạm trữ, giá lúa tăng

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý kéo dài thời hạn mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu năm 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến hết ngày 15/8 theo tờ trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa đã bắt đầu tăng mạnh. Theo đó, bình quân tuần sau, giá lúa cao hơn tuần trước khoảng 50- 200 đồng/kg, người dân đã khấp khởi vui mừng.


Theo ghi nhận của phóng viên tại một số tỉnh ĐBSCL, giá lúa tươi đang được thương lái thu mua tại ruộng đang tăng khoảng 200-300 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 7. Hiện giá lúa thường thu mua tại ruộng (lúa tươi) đang ở mức dao động từ 4.300 - 4.600 đồng/kg và lúa hạt dài từ 4.700 - 4.900 đồng/kg (tuỳ địa phương), tăng từ 800-1.000 đồng/kg so với đầu vụ.


Trong khi đó, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.300 - 5.400 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.500 - 5.600 đồng/kg, tăng 50- 100 đồng/kg so với tuần cuối tháng 7 và tăng hơn 500 đồng/kg trong suốt 3 tuần qua. Theo đó, giá gạo nguyên liệu loại làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.100 - 7.200 đồng/kg và gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.900 - 7.000 đồng/kg (tùy chất lượng và địa phương), tăng gần 1.000 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ. Ngoài ra, giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn cũng tăng lên, hiện khoảng 8.100 - 8.200 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.650 - 7.750 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.350 - 7.450 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá lúa cao hơn tuần trước khoảng 50 - 200 đồng/kg, người dân đã khấp khởi vui mừng.


Anh Nguyễn Văn Thuấn ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, anh vừa xuất kho bán được gần 5 tấn lúa hạt dài với giá 5.400 đồng/kg. Trong khi trước đây 3 tuần, giá lúa tươi hạt dài, thơm nhẹ như OM 4900, 4218, 4976... đã giảm từ 4.800 - 4.900 đồng/kg xuống còn 4.700 - 4.800 đồng/kg. Điều này giúp những người dân như anh vui hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện phơi, sấy để tích trữ lúa lại như anh Thuấn, mà đa phần người dân đều bán lúa tươi do thời tiết mưa nhiều vào thời điểm thu hoạch.


Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 31/7, 8 doanh nghiệp của tỉnh đã thu mua được trên 80.000 tấn quy gạo, đạt 96,2% so với chỉ tiêu 84.000 tấn. 19 doanh nghiệp có chi nhánh đóng trên địa bàn tỉnh cũng đã thu mua được 80% chỉ tiêu với khối lượng trên 187.000 tấn quy gạo. Theo dự tính, trong 10 ngày đầu tháng 8, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành chỉ tiêu mua tạm trữ.

Trong khi đó tại An Giang, hiện các doanh nghiệp đã thu mua tạm trữ được trên 110.000 tấn so với chỉ tiêu được giao là 130.000 tấn. Ngoài ra, 16 doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng thu mua với chỉ tiêu trên 100.000 tấn. Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương An Giang, giá lúa hiện đang có chiều hướng có lợi cho người nông dân khi doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua. Hiện giá lúa đã tăng hơn đầu vụ khoảng 800 đồng/kg và lượng lúa trong dân chỉ còn khoảng 20-30%. Tại Hậu Giang, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã gần hoàn thành chỉ tiêu thu mua tạm trữ khoảng 30.000 tấn lúa theo kế hoạch.


Theo đánh giá của các tỉnh, hiện áp lực tồn kho lúa của người dân đã giảm do hầu hết bà con đã thu hoạch xong; trong khi áp lực tồn kho của doanh nghiệp đang tăng lên do xuất khẩu chậm, đồng thời lượng lúa, gạo từ vụ đông xuân trước vẫn còn. Chính vì thế, chỉ có đẩy mạnh xuất khẩu thì mới giúp doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua.


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam 7 tháng đầu năm tiếp tục sụt giảm cả về khối lượng lẫn kim ngạch. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2013, cả nước xuất khẩu được 4,22 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,88 tỷ USD, giảm 11,3% về khối lượng và 13% về kim ngạch so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu tiếp tục ở mức thấp, bình quân 6 tháng đầu năm chỉ 443 USD/tấn, giảm 6,7% so với cùng kỳ.


Trong khi đó, theo VFA, trước đây thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam là Philíppin, Inđônêxia và Malaixia nhưng hiện nay những nước này đang gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước và bớt nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam năm nay lại đón nhận những doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc và thị trường này đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt trên 1,29 triệu tấn với giá trị đạt xấp xỉ 526,5 triệu USD (tăng 20% khối lượng và 16,7% giá trị so với cùng kì), chiếm 33,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.


Ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Hiện nay thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu đang trong giai đoạn ế ẩm do nguồn cung dồi dào nhưng lượng cầu lại quá ít. Thực tế các doanh nghiệp triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo chỉ cứu nông dân ở mức có lời, khó đạt lãi 30% trở lên”. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), tình hình tiêu thụ và xuất khẩu gạo đã có những dấu hiệu khả quan hơn trong các tháng cuối năm.


M.Thuyết

Thêm thời gian mua tạm trữ, giá lúa tăng

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý kéo dài thời hạn mua tạm trữ lúa gạo vụ hè thu năm 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến hết ngày 15/8 theo tờ trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa đã bắt đầu tăng mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN