Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ

Nhờ những chính sách tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương; từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) đã có những dấu hiệu hồi phục, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục được tháo gỡ.

Hàng loạt chính sách tác động đến thị trường BĐS

Theo công bố thị trường của Bộ Xây dựng, để giải quyết khó khăn cho các phân khúc sản phẩm, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, công điện chỉ đạo, với nhiều biện pháp giải quyết cụ thể, quyết liệt, để từng bước tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS. 

Chú thích ảnh
Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết liệt chỉ đạo Tổ công tác, liên Bộ Xây dựng - Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao, trực tiếp làm việc với các địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp BĐS để rà soát từng dự án BĐS, nhằm hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai.

Hàng loạt các chính sách và các văn bản chỉ đạo điều hành tác động đến thị trường BĐS đã được ban hành như: Nghị định số 10/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; Công điện số 194/CĐ-TTg về tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và BĐS; Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Công điện số 470/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; Quyết định số 3/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp (TNT), công nhân khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021 – 2030"; Quyết định số 486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua NƠXH, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở.

Đáng chú ý, riêng về chương trình 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản số 1608/BXD-QLN về việc đôn đốc các địa phương triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng TNT, công nhân KCN giai đoạn 2021 - 2030" hay Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản số 2931/NHNN-TD về chỉ đạo tổ chức tín dụng. Trong đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu Nghị quyết số 33/NQ-CP để triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng.

Đẩy mạnh phát triển NOXH, nhà ở công nhân

Bộ Xây dựng thống kê, đến hết tháng 7/2023, cả nước có 294 dự án nhà ở xã hội (NOXH) đang triển khai xây dựng, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Trong đó, Chương trình phát triển NOXH cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đang tiếp tục triển khai xây dựng 201 dự án, với khoảng 162.227 căn; dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai 6 dự án, với khoảng 1.892 căn.

Chương trình phát triển NOXH dành cho công nhân khu công nghiệp đang tiếp tục triển khai 93 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ. Hiện nay, các địa phương và các chủ đầu tư dự án NOXH đang tập trung triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Đến thời điểm này, có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng.

Thực hiện triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện đã có 15/63 Sở Xây dựng trên cả nước đã rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh, thành phố xem xét công bố danh mục tổng số 40 dự án, với tổng mức đầu tư là 43.707,28 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 18.010,48 tỷ đồng. Đã có 11 UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, với tổng vốn đầu tư là 31.673,1 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn là 12.442,78 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án nếu được phê duyệt vay với nhu cầu nêu trên, sẽ giải quyết 12.442,78/120.000 tỷ đồng (đạt phần 10,37% số vốn giải ngân trong gói 120.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, thị trường BĐS từ đầu năm đến nay vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022; đồng thời, còn nhiều khó khăn thách thức liên quan đến thể chế, pháp lý của các dự án, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… và việc tổ chức, triển khai, thực thi của địa phương. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục khẩn trương, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, đề xuất giải pháp cụ thể, nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững cho thị trường BĐS.

Sơn Vân/Báo Tin tức
Thông tư 06 có thực sự gỡ khó cho thị trường bất động sản?
Thông tư 06 có thực sự gỡ khó cho thị trường bất động sản?

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng sẽ chính thức có hiệu lực (1/9/2023).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN