Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường M&A Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, song các chuyên gia vẫn cho rằng, hàng loạt các chuyển động chính sách thời gian gần đây, như: dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán); Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được Bộ Chính trị ban hành, cùng với việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA)… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài; trong đó, có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.
Ông Michael Dc Choi, Phó giám đốc Trung tâm M&A Hàn Quốc thuộc Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cũng cho biết, hiện rất nhiều ngân hàng và nhà đầu tư Hàn Quốc đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam theo hình thức trực tiếp và thông qua M&A. Do đó, dòng vốn M&A Hàn Quốc vào Việt Nam dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh những thuận lợi, thị trường M&A Việt Nam tới đây cũng phải đối mặt với những thách thức đến từ các yếu tố khánh quan và nội tại của nền kinh tế, đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc, hay những trở ngại từ vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn. Những rào cản chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài, bất động sản, cổ phần hóa doanh nghiệp… chưa được “khơi thông” cũng tác động không nhỏ đến sự thành công của các thương vụ M&A.
Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Việt Nam cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân là do tỉ lệ sở hữu của nhà nước quá lớn, gây trở ngại cho nhà đầu tư. Ngoài ra, báo cáo tài chính của doanh nghiệp công bố thông tin chưa minh bạch, các yếu tố về thời gian thực hiện thương vụ dài, văn hoá khác nhau hoặc doanh nghiệp định giá quá cao… Ngoại ngữ cũng là vấn đề, đây là điều đáng lưu ý cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân sự hoặc nâng cao trình độ ngoại ngữ của ban quản lý.
Để thị trường M&A Việt Nam tận dụng được cơ hội, bứt phá trong giai đoạn tới, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm, thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, nhà nước cần thoái vốn mạnh mẽ hơn; đồng thời, cần có sự phát triển của tập đoàn tư nhân vì đây là yếu tố thúc đẩy thương vụ của Việt Nam trong thời gian tới.
Diễn đàn M&A sẽ chính thức được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh với chủ đề "Thay đổi để bứt phá" vào đầu tháng 8/2019. Tại đây, các chuyên gia sẽ tập trung phân tích những thay đổi, chuyển biến cũng như rào cản về chính sách, nhằm thúc đẩy thị trường M&A trong nước. Từ đó, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhận diện nguồn hàng, nguồn vốn ngoại và các lĩnh vực sẽ tạo đột phá trong thời gian tới
6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% so với cùng kỳ năm 2018). Các thương vụ sôi động nhất giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Ngoài ra, các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính, tiêu dùng, bán lẻ, thuỷ sản, logistics, giáo dục...
Ban tổ chức Diễn đàn M&A cho biết, tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,6 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. Nếu loại trừ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng 41,4%.
Còn theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước 7 tháng năm 2019 đạt 2,82 tỷ USD.