Đây là chủ đề trao đổi thông tin của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) với các doanh nghiệp (DN) vào chiều 25/1.
Theo ITPC, từ năm 2010, các DN Việt Nam ngày càng quan tâm đến thị trường Myanmar. Để hỗ trợ DN tiếp cận đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, trong 4 năm liên tiếp (2011 – 2015) ITPC đã tổ chức các Hội chợ triển lãm Thương mại – Dịch vụ - Du lịch Việt Nam – Myanmar nhằm giới thiệu hàng hóa Việt Nam và 6 lần khảo sát thị trường kinh doanh, đầu tư, kết nối giao thương, tạo cơ hội cho DN tiếp cận nhanh thị trường. Sau những hội chợ triển lãm và các cuộc khảo sát do ITPC tổ chức, đã có nhiều DN tìm được đối tác làm nhà phân phối tại Myanmar.
ITPC giới thiệu tiềm năng thị trường Myanmar. |
Năm 2016, được sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, ITPC cho biết sẽ tiếp tục tổ chức Hội chợ triển lãm Thương mại – Dịch vụ - Du lịch TP Hồ Chí Minh Việt Nam – Myanmar 2016 tại Yangon từ ngày 1/4 đến 4/4/2016. Nét mới trong hội chợ lần này ITPC phối hợp với Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và các DN đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu, giới thiệu các sản phẩm mới, kỹ thuật mới để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao đến với nông dân và doanh nghiệp Myanmar. Ngoài ra, ITPC phối hợp với Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh giới thiệu các loại vật liệu xây dựng, các công nghệ mới ứng dụng trong xây dựng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2014, quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Myanmar đã đạt được trên 480,65 triệu USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Myanmar đạt 345,9 triệu USD, tăng 51,8% so với năm 2013. Sang năm 2015, Việt Nam xuất sang Myanmar ước đạt trên 378,5 triệu USD. Mặc dù so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, thương mại song phương Việt Nam – Myanmar còn thấp, nhưng Myanmar vẫn được xác định là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng Việt Nam.
Đến nay, Myanmar là một trong những thị trường ở khu vực ASEAN đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và hàng hóa từ các nước nhập khẩu vào. Bộ Công Thương và lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh chủ trương tích cực xúc tiến thương mại và đầu tư vào thị trường này, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) đã được thành lập, bên cạnh việc cắt giảm thuế của các nước, thì những điều kiện thuận lợi hóa thương mại, đầu tư nội khối cũng sẽ được mở ra, giúp doanh nghiệp thêm nhiều cơ hội thâm nhập thị trường.
Cũng theo thống kê từ phía Myanmar tính đến tháng 2/2015, trong top 30 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Myanmar thì Việt Nam đứng ở vị trí thứ 9 về quy mô đầu tư. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam) cũng cho biết năm 2014 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư sang Myanmar với 16 dự án; trong 6 tháng đầu năm 2015, các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tập trung chủ yếu vào thị trường Myanmar với 8 dự án cấp mới.
Nhìn chung, thị trường Myanmar vẫn chiếm phần lớn phân khúc bình dân, nhưng phân khúc tiêu dùng trung và cao cấp cũng đang có chiều hướng tăng từ khi Myanmar mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều, tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân. Yangon là thị trường chính, định hướng tiêu dùng cho các thị trường còn lại. Hành vi, thị hiếu tiêu dùng của người dân Myanmar không chỉ do nhu cầu tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán và tôn giáo.
Một số ngành hàng người tiêu dùng Myanmar ưu tiên mua sắm là các sản phẩm mới lạ, nhiều công dụng; đồ nhựa dùng trong nhà bếp và dụng cụ vệ sinh nhà cửa; đồ chơi trong nhà như ráp chữ, xếp mô hình, tập làm toán, xe tập đi, nôi, võng… hàng may mặc, giày dép; thiết bị điện tử; các sản phẩm chế biến từ gà được ưa chuộng, các sản phẩm có chứng nhận Halal được chú ý. Hiện nay, đã có nhiều thương hiệu Việt đang kinh doanh tốt trên thị trường Myamar như Kangaroo, Happy Cook, Nhựa Rạng Đông, Bita’s... |