Đó là nội dung được thảo luận tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi do Bộ Công thương tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 18/4.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương, cho biết sau 2 năm 9 tháng áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (đăng ký giá và áp giá trần), vừa qua Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng các biện pháp bình ổn giá này từ ngày 1/4/2017.
Như vậy, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được quản lý theo quy định của Luật giá, không còn bị áp giá trần. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng này sẽ thực hiện các quy định về kê khai giá; được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như: giá nguyên liệu, tỷ giá, giá nhập khẩu… biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất kinh doanh và giá bán sữa.
Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quản lý giá sữa sau khi bỏ áp trần tại TP Hồ Chí Minh. |
Trong trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá không quá 5% thì doanh nghiệp chỉ cần gởi thông báo về mức giá điều chỉnh cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước khi điều chỉnh giá. Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá cộng dồn quá 5% mức giá đã kê khai liền kề trước đó thì phải thực hiện kê khai giá theo quy định.
Theo dự thảo Thông tư về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi do Bộ Công Thương xây dựng, thương nhân đầu mối sẽ xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai hoặc đăng ký giá đối với các cơ quan chức năng của ngành Công Thương theo phân cấp; đồng thời thông báo các hệ thống phân phối của mình với các cơ quan chức năng.
Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai của doanh nghiệp, cơ quan chức năng sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng thương nhân đầu mối đến cơ quan quản lý địa phương để phối hợp giám sát. Mức giá này sẽ là mức giá bán lẻ cuối cùng của sản phẩm trong toàn hệ thống của thương nhân đầu mối.
Giá sữa bán lẻ của các đơn vị phân phối sẽ chịu sự giám sát của các thương nhân đầu mối và các lực lượng chức năng trên địa bàn kinh doanh như: Sở Công Thương, Quản lý thị trường, Thanh tra Thuế…
Theo ông Nguyễn Lộc An, phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả… và xác định được trách nhiệm của các thương nhân khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.
Nhiều doanh nghiệp sữa lớn tại TP Hồ Chí Minh như Vinamilk, 3A đã đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư quản lý giá sữa của Bộ Công Thương, khẳng định việc gỡ bỏ trần giá sữa như dự thảo là phù hợp với xu thế hiện nay, quy luật cung cầu, giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, để thị trường tự điều tiết giá, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi khi đó, thị trường sữa sẽ cạnh tranh lành mạnh hơn, các doanh nghiệp phải nỗ lực để giành thị phần bằng các biện pháp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Như vậy, người tiêu dùng được hưởng lợi.
Theo các doanh nghiệp, việc áp trần trong quản lý giá sữa thời gian qua đã gây hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp ngại đầu tư, nghiên cứu, gia tăng giá trị dinh dưỡng trong sản phẩm mình…
Tham dự hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong quản lý giá sữa. Chẳng hạn như đề nghị tiếp nhận văn bản thông báo giá và kê khai giá của doanh nghiệp thông qua kênh internet, trực tuyến, bưu điện và nhanh chóng hồi đáp cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể kịp thời điều chỉnh giá, trong trường hợp thị trường có biến động. Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương làm rõ một số nội dung trong Thông tư như: Quy định cụ thể thời gian liền kề trong cộng dồn xác định mức tăng giá quá 5% là bao lâu; xác định rõ hơn những sản phẩm nào thuộc thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi…
Bộ Công thương đã giải thích và tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để hoàn thiện Thông tư. Bộ cũng nêu quan điểm, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là sản phẩm dinh dưỡng quan trọng, liên quan đến sự phát triển nòi giống… Do đó, Bộ Công Thương sẽ đảm bảo quyền tự do kinh doanh, để doanh nghiệp tự giác kê khai giá bán lẻ cuối cùng nhưng cũng sẽ tăng cường giám sát, hậu kiểm để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tránh độc quyền, chi phối giá.