Ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục công bố tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD từ mức 21.673 đồng/USD lên 21.890 đồng/USD (tăng 1%); đồng thời nới biên độ tỷ giá từ 2% lên 3%. Việc điều chỉnh này đã khiến ngay trong ngày, giá vàng tiếp tục “nhảy múa”, USD bán tăng còn chứng khoán lại “lao dốc”. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhận định: Đây là chính sách hợp lý trong bối cảnh có nhiều diễn biến bất ngờ trên thị trường tiền tệ năm nay.Ảnh hưởng ngắn hạnTheo quyết định mới nhất của NHNN, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 đồng/USD và biên độ tỷ giá +/-3% thì tỷ giá trần là 22.547 đồng/USD, tỷ giá sàn là 21.233 đồng/USD.
Tại thị trường miền Bắc, giá vàng sáng 19/8 có xu hướng tăng mạnh sau khi NHNN thông báo tăng tỷ giá. Giá vàng SJC tăng gần một triệu đồng/lượng, lên 35 triệu đồng rồi lại rơi nhanh về vùng 34,4 triệu đồng/lượng. Cụ thể: giá vàng SJC Hà Nội giao dịch ở mức 34- 34,42 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng mua vào và giảm 300.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên ngày 18/8. Chiều cùng ngày, giá vàng bán ra nhích hơn với mức 34,62 triệu đồng/lượng.
Đại diện Công ty vàng Bảo Tín- Minh Châu cho biết: Giá vàng trong nước tăng nhưng lượng khách mua vào ít hơn so với bán ra. “Đây là thời điểm nhà đầu tư và người dân cần cân nhắc khi mua vàng tích trữ đợi giá lên bán chốt lời”, đại diện Trung tâm nghiên cứu và khảo sát thị trường Bảo Tín- Minh Châu nói.
Còn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, nếu như đầu giờ sáng, vàng miếng SJC giao dịch ở ngưỡng 33,95- 34,05 triệu đồng/lượng thì sau khi NHNN phát thông tin điều chỉnh 1% tỷ giá, biểu đồ điện tử của Doji liên tục điều chỉnh, chạm mốc 34,3- 35 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá bán ra tăng 950.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng cùng ngày. Tuy nhiên sau đó, Doji lại nhanh chóng giảm giá và cuối giờ chiều, giá vàng SJC giao dịch ở mức 34- 34,35 triệu đồng/lượng.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức, giao dịch vàng tại một số cửa hàng vàng ở TP. Hồ Chí Minh không biến động nhiều. Chuyên gia tài chính cho rằng, người dân dường như đang tiếp tục thăm dò động thái của NHNN cũng như diễn biến của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc. Ngoài ra, sự phản ứng tăng giá vàng cũng chỉ là tức thời và giá vàng đã hạ nhiệt so với giờ mở cửa sáng 19/8.
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đều được điều chỉnh tăng từ 200 đến gần 400 đồng/USD. Tại Ngân hàng Vietcombank, tỷ giá USD/VND bật tăng lên mức 22.245 đồng/USD mua vào và bán ra là 22.275 đồng/USD, tăng tới 245 đồng chiều mua và 275 đồng chiều bán so với ngày 18/8. Ngân hàng Vietinbank tăng tới 210 đồng chiều mua và 295 đồng chiều bán, hiện niêm yết ở mức mua vào là 22.270 đồng/USD, chiều bán ra ở ngưỡng 22.400 đồng/USD. Đại diện lãnh đạo Chi nhánh giao dịch ngân hàng BIDV (TP Hồ Chí Minh) cho biết, thanh khoản USD vẫn ổn định, mọi giao dịch vẫn bình thường và không có sự biến động.
Còn tại thị trường tự do, giá USD có thời điểm tăng lên 22.450 đồng sau tín hiệu điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng của nhà điều hành. Nhân viên tại điểm thu đổi ngoại tệ Hà Nội cho biết, mỗi USD đã tăng hơn một trăm đồng. Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, khi thị trường biến động, các doanh nghiệp không nên chạy theo và mua bằng mọi giá vì sẽ tạo thêm biến động nữa. Thông thường sau đợt biến động thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới.
Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), tưởng chừng phiên tăng điểm hôm 18/8 sẽ giúp thị trường bước vào giai đoạn hồi phục sau 5 phiên liên tiếp giảm mạnh. Tuy nhiên, việc tỷ giá điều chỉnh, nới biên độ giao dịch cho các NHTM có thể xem là nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường lao dốc trở lại.
Thông tin tỷ giá đã tác động tiêu cực đến thị trường trong phiên giao dịch sáng 19/8 khiến đà bán tháo diễn ra ồ ạt. Tuy nhiên, với việc giá xăng RON 92 giảm 770 đồng từ 15 giờ chiều 19/8 cộng thêm thông tin về Thông tư hướng dẫn Nghị định 60 của Chính phủ quy định về nới room đã phần nào giúp bình ổn tâm lý cho nhà đầu tư. Các chỉ số được hãm bớt đà rơi nhưng sự thận trọng của nhà đầu tư vẫn hiện hữu khiến dòng tiền chưa đủ mạnh để kéo VN-Index vượt qua tham chiếu.
Kết thúc giao dịch, VN-Index giảm 2,4 điểm (-0,42%) xuống 577,82 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,09%) lên 79,67 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 2.300 tỷ đồng.
Quyết sách kịp thờiÔng Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính (UBGSTC) Quốc gia cho biết: Tỷ giá là một biến số nhạy cảm của thị trường tài chính, khi thay đổi có thể kéo theo những tác động tâm lý đến vàng, chứng khoán... và có thể tiên liệu được. “Tuy nhiên, nếu biến động được giải thích cặn kẽ, thuyết phục, mọi việc sẽ trở lại bình thường. Nếu cần thiết, NHNN có thể can thiệp thị trường bằng dự trữ ngoại hối để củng cố lòng tin”, đại diện UBGSTC nói.
Theo UBGSTC, không quá lo với TTCK bởi nó phản ánh diện mạo kinh tế vĩ mô của quốc gia. Năm nay Việt Nam có nhiều chính sách mới, đón nhận luồng vốn từ bên ngoài vào, cởi mở hơn về đầu tư, kinh doanh, bất động sản…Lạm phát dự kiến chỉ ở mức 1,5-2%. Vì thế, xu hướng TTCK sẽ diễn biến theo chiều tích cực là điều có thể dự báo trước.
Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, cường độ, tần suất điều chỉnh của NHNN rất nhanh. Đây là quyết định rất kịp thời, giúp trấn an dư luận và sẽ làm dịu thị trường ngoại hối trên thị trường tự do. “Động thái của NHNN sẽ làm giảm nhiệt độ của thị trường tài chính. Hy vọng tình hình sẽ ổn định hơn nhưng áp lực thì không thể loại trừ được và áp lực này nằm ngoài tầm kiểm soát của NHNN”.
Ông Hiếu cho rằng: Đối với thị trường ngoại hối, nếu như không điều chỉnh thì các thành phần kinh tế, trong đó có ngân hàng và các thành phần khác sẽ mua được USD giá rẻ từ Ngân hàng Trung ương và ngoài thị trường tự do mức cầu tăng lên thì chắc chắn NHNN sẽ phải bán ra một lượng ngoại tệ lớn để ổn định thị trường. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến dự trữ quốc gia và có thể lâm vào tình trạng mất thanh khoản. Khi tăng tỷ giá lên làm cho giá USD đắt hơn và có thể làm chậm lại việc NHNN phải bán ngoại tệ ra. Thứ hai, nếu không tăng tỷ giá thì hàng nhập khẩu tiếp tục rẻ và vô tình khuyến khích nhập khẩu, từ đó dẫn đến nhập siêu. Thứ ba, nếu không điều chỉnh tỷ giá sẽ có lợi cho nợ công nhưng lại có hậu quả khác cho nền kinh tế đó là nếu giữ tỷ giá thấp thì hàng ngoại nhập vào Việt Nam được bán ra với giá rất thấp.
Đại diện NHNN cho biết: Việc điều chỉnh lần này nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới. Với việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và với biên độ +/-3% sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. |