Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Những rủi ro tiềm ẩn

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 phát triển nhanh, đặc biệt là sự gia tăng rất mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân. Không có khả năng phân tích tình hình tài chính và rủi ro của doanh nghiệp sẽ là một trong những rủi ro tiềm ẩn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp”.

Đây là thông tin được chia sẻ bởi ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính với báo chí trong sáng 11/5.

Chú thích ảnh
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đua nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức

Xin ông cho biết tình hình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua?

Trong 4 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển nhanh. Số lượng và loại hình doanh nghiệp tham gia thị trường đa dạng hơn so với năm trước, đặc biệt là khối sản xuất cũng đã bắt đầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm đạt trên 58.000 tỷ đồng.

Việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh trong thời gian vừa qua là hợp lý để giúp doanh nghiệp tiếp cận kênh huy động vốn trên thị trường vốn, bù đắp vào kênh vay tín dụng của ngân hàng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước quản lý thận trọng đối với tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng đối với khối doanh nghiệp bất động sản.

Việc phát triển trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ là đa dạng hóa các nguồn vốn huy động trong xã hội, từng bước giảm sự phụ thuộc vào hệ thống các tổ chức tín dụng.

Qua phân tích tình hình thị trường trong 4 tháng đầu năm, chúng tôi thấy rằng, có một số điểm nổi bật đáng chú ý. Thứ nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản đã gia tăng phát hành trái phiếu huy động vốn và trở thành nhóm huy động lớn nhất trên thị trường, chiếm khoảng 49% tổng lượng phát hành của thị trường.

Lãi suất bình quân huy động của nhóm doanh nghiệp bất động sản ở mức hơn 11%, trong khi lãi suất bình quân chung của thị trường là 9,63%. Điểm thứ 2 là về dư nợ phát hành trái phiếu của một nhóm, một số doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản ở mức cao. Một số doanh nghiệp ở mức cao gấp từ 30 đến 47 lần vốn tự có.

Dù nhóm nhà đầu tư có tổ chức vẫn là nhóm đầu tư chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm gần 74%, thế nhưng có sự gia tăng rất mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân. Năm 2019, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường sơ cấp (thị trường phát hành) chiếm khoảng 8,8% tổng khối lượng phát hành, con số này trong 4 tháng đầu năm nay đã ở mức 26,8%, đây là mức tăng lớn.

Với tình hình trái phiếu doanh nghiệp như hiện nay và sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không có khả năng phân tích tình hình tài chính cũng như là rủi ro của doanh nghiệp sẽ là một trong những rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Như ông trao đổi ở trên, nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ sẽ gặp nhiều rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Vậy ông có khuyến nghị gì cho nhóm nhà đầu tư này?

Bộ Tài chính đã có những khuyến cáo đối với nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến cáo nhóm nhà đầu tư này.

Nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp cần phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng thì doanh nghiệp cần phải tuân thủ quy định về công bố thông tin cho toàn bộ nhà đầu tư trên thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký chào bán ra công chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, sau đó doanh nghiệp mới được phát hành.

Đối với cả phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ các quy định của pháp luật, cụ thể ở đây là Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, công bố thông tin cho những đối tượng mua trái phiếu của doanh nghiệp, công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), để HNX thực hiện việc giám sát và báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đưa thông tin cơ bản về doanh nghiệp lên trung tâm thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại HNX.

Do đó, tôi thấy rằng, theo thông lệ chung thì việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phù hợp hơn với cả nhóm đối tượng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp vì họ có khả năng phân tích những thông tin và những rủi ro về tài chính của doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính mà doanh nghiệp cung cấp cho họ. Dù vậy, cũng cần lưu ý là nguyên tắc cơ bản của thị trường tài chính là lợi nhuận cao đi kèm với rủi ro cao.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro là doanh nghiệp phát hành sẽ không trả được vốn gốc và lãi trái phiếu khi doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh. Do đó, khi nhà đầu tư quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cần thận trọng, không chỉ quan tâm đến vấn đề lãi suất mà phải phân tích được tình hình tài chính, rủi ro về đầu tư.

Nhà đầu tư cũng cần nắm rõ 5 yếu tố gồm: Trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành và phát hành với mục đích gì; trái phiếu có được đảm bảo hay không được đảm bảo bằng tài sản; các cam kết của doanh nghiệp đối với trái phiếu; kỳ hạn và phương thức trả lãi trái phiếu doanh nghiệp; điều rất quan trọng là xem xét tình hình tài chính doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phát hành cần phải lưu ý cân đối giữa nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp với việc phát hành trái phiếu và dòng tiền, khả năng thanh toán nợ gốc và nợ lãi của trái phiếu. Doanh nghiệp cũng phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, công bố thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư về những điều kiện, điều khoản của trái phiếu về phương thức thanh toán của trái phiếu và về tình hình tài chính của doanh nghiệp để nhà đầu tư hiểu để đưa ra quyết định đầu tư.

Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra, phạt vi phạm hành chính đối với những vi phạm trên thị trường.

Định hướng, giải pháp phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Bộ Tài chính trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để áp dụng thực hiện ngay trong năm nay, khi mà Luật Chứng khoán chưa có hiệu lực. Theo đó, Nghị định này đã chỉnh sửa, nâng cao một số điều kiện về phát hành trái phiếu, chuẩn hóa hồ sơ phát hành, hoàn thiện chế độ công bố thông tin và quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Để hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và Luật Doanh nghiệp hiện nay đang sửa đổi và dự kiến có hiệu lực vào thời điểm tháng 1 năm 2021, Bộ Tài chính đã xây dựng một dự thảo thay thế các nghị định hiện nay về trái phiếu doanh nghiệp để ban hành và có hiệu lực cùng với hiệu lực Luật Chứng khoán năm 2021. Theo đó, sẽ tạo được khung khổ pháp lý đồng bộ phát triển thị trường.

Những điểm mới của hệ thống pháp lý từ 1/1/2021 đối với cả trái phiếu doanh nghiệp đó là trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng được yêu cầu phải có định mức tín nhiệm, do đó nhà đầu tư có thêm một căn cứ nữa để quyết định mua trái phiếu, đối với trái phiếu phát hành ra công chúng.

Đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ thì Luật Chứng khoán cũng đã quy định và tại Nghị định hiện nay chúng tôi đang lấy ý kiến công chúng cũng đưa vào nội dung trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đây là điểm khác biệt rất cơ bản.

Hiện nay, chúng ta đang quy định trái phiếu phát hành riêng lẻ được phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhưng sắp tới thì với tính chất rủi ro, yêu cầu phân tích rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán theo hướng phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Đây là một trong những giải pháp mà Bộ Tài chính đang và sẽ triển khai trong thời gian tới để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Văn Giáp/TTXVN (Thực hiện)
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Tăng minh bạch - hạn chế rủi ro
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Tăng minh bạch - hạn chế rủi ro

Trong 10 tháng năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, quy mô thị trường tăng 28% so với cuối năm 2018, đạt tương đương 10,47% GDP dự kiến năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN