Khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới trên dưới 1 triệu đồng mỗi lượng như hiện nay vẫn chưa phù hợp khi mà Ngân hàng Nhà nước đã phải đánh đổi bằng cách cho 5 ngân hàng bán vàng và mở tài khoản nước ngoài.
Nhóm 5 ngân hàng và SJC tham gia bình ổn giá vàng đang được biết đến với cái tên G5+1.
Các ngân hàng trong nhóm này gồm: ACB, Đông Á, Techcombank, Eximbank và Sacombank |
So với trước ngày 6/10, ngày đầu tiên 5 ngân hàng cùng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng ra thị trường theo quy định tại Thông tư 32, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện đã thu hẹp đáng kể. Nếu như ngày 5/10, giá vàng SJC cao hơn gần 4 triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới quy đổi (theo giá đôla ngân hàng, không tính thêm chi phí nhập khẩu, gia công), thì tới sáng 17/10, khoảng cách này là 1,7 triệu. Và nếu quy đổi theo giá đôla thị trường tự do cộng các loại chi phí (tạm gọi là giá thành), khoảng cách này thu hẹp từ gần 2 triệu đồng xuống còn dưới 400.000 đồng mỗi lượng, chủ yếu do giá đôla tự do giảm dần.
Đợt bình ổn thị trường trong nước lần này cũng thuận lợi hơn, bởi nhu cầu đầu tư vàng của dân chúng đã dịu lại và giá trong nước những ngày gần đây biến động không lớn. Cuối tháng 8, khi SJC được yêu cầu bán vàng bình ổn, giá thế giới giảm mạnh khiến nhiều người chua xót mua vàng bình ổn giá49 triệu đồng rồi phải bán ra khi giá xuống 45 triệu đồngmỗi lượng.
|
Diễn biến giá vàng từ ngày 5/10 đến 17/10. Khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới thu hẹp nhanh trong 5ngày đầu bán vàng bình ổn, nhưng lại nới rộng ra sau đó. - Giá SJC: Giá bán vàng do SJC công bố vào đầu ngày (đơn vị: Triệu đồng mỗi lượng) - Giá quy đổi: Giá thế giới tính theo ounce quy đổi ra lượng theo tỷ giá đôla ngân hàng - Giá thành: Giá thế giới quy đổi theo giá đôla tự do cộng với các chi phí nhập khẩu, lãi suất ngân hàng và gia công. |
Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoài nhóm G5+1 lại cho rằng khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới hiện nay lẽ ra phải thu hẹp hơn nữa, bởi các ngân hàng và SJC có nhiều lợi thế khi bán vàng. Thông thường, các doanh nghiệp tính giá thành dựa trên việc quy đổi theo đôla tự do, cộng cước vận chuyển (khoảng 3 USD mỗi ounce), chi phí vốn (lãi suất khoảng 0,5% cho 10 ngày nhập khẩu và gia công), phí gia công (50.000 đồng một lượng). Khoảng chênh lệch giữa giá thành với giá bán thường được duy trì ở một mức đủ đảm bảo hoạt động an toàn cho doanh nghiệp, trong điều kiện thị trường hiện nay là 400.000 đồng.
Nhưng vàng các ngân hàng bán ra chủ yếu là vàng miếng SJC có sẵn trong kho, không tốn chi phí nhập khẩu cũng như gia công, dập đúc. Vì vậy, giá bán vàng của ngân hàng chỉ bao gồm giá thế giới quy đổi theo giá đôla trong ngân hàng cộng một khoản lãi nhất định, chứ không phải tính thêm cước vận chuyển, chi phí vốn hay gia công, dập đúc.
"Trong trường hợp này, khoảng vênh giữa giá bán của ngân hàng với giá thế giới quy đổi quá lắm cũng chỉ là 1 triệu đồng một lượng, không thể lên tới 1,7 triệu đồng như hiện nay. Và về lâu dài, khoảng cách này nên tiếp tục được thu hẹp", Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng SJC nói.
Thừa nhận giá bán hiện nay vẫn "quá đáng" nếu nhìn từ phía người mua, song đại diện một ngân hàng trong nhóm G5+1 cho rằng sự bất hợp lý này không do lỗi ngân hàng, mà vì cung cầu chưa gặp nhau. Ông đánh giá cao biện pháp tăng cung một cách nhanh chóng của Ngân hàng Nhà nước, thông qua việc cho 5 ngân hàng bán vàng tồn quỹ thay vì phải tốn đôla và thời gian để nhập khẩu. Ông cũng tự nhận bản thân mình từng đề xuất biện pháp này trước khi nó được triển khai. Tuy nhiên ông lý giải ngân hàng ông không thể bán với giá tương đương với thế giới, bởi lực mua của dân vẫn rất lớn, trong khi ngân hàng chỉ được bán một phần số vàng tồn quỹ. Và điều ngân hàng lo hơn cả là nếu bán giá thấp, khi cần mua lại để tất toán sẽ không thể có giá như vậy.
Tại Thông tư 32 ban hành hôm 6/10, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được chuyển đổi tối đa 40% số vàng tồn quỹ đã huy động của dân từ trước thành tiền mặt và phải mua lại vàng vật chất trong nước để bù đắp cho lượng đã bán ra. Trong trường hợp khó khăn khi mua trong nước, các ngân hàng mới được cấp phép nhập khẩu từ nước ngoài.
"Quy định này đồng nghĩa với việc ngân hàng bán vàng ra bằng tay phải nhưng tay trái lúc nào cũng phải chăm chăm tìm cơ hội mua lại để cân đối. 10 tấn vàng bổ sung cho thị trường những ngày qua chẳng khác nào là lấy của tương lai dùng cho hiện tại", vị Tổng giám đốc doanh nghiệp vàng lo lắng. Theo ông, thị trường sẽ lại mất cân đối cung cầu khi các ngân hàng phải mua lại số vàng đã bán ra.
|
Một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố gói giải pháp, thị trường vàng trong nước vẫn chưa đạt được mục tiêu bình ổn như mong muốn. Ảnh: TB |
"Thuốc" bình ổn giá vàng hiện nay cũng được cho là chưa "đủ liều" khi Ngân hàng Nhà nước chỉ lựa chọn 5 ngân hàng và duy nhất một doanh nghiệp thay vì cho thêm nhiều ngân hàng và các doanh nghiệp có mạng lưới bán lẻ rộng khắp. Bởi lượng vàng đưa đến tay người dân một cách nhỏ giọt, thay vì đồng loạt. Mặt khác, giải pháp này có thể mang lại đặc quyền cho số ít đơn vị được lựa chọn.
Một nguồn tin từ Hiệp hội Ngân hàng cho biết nhiều ngân hàng dù nằm ngoài nhóm G5+1 vẫn chạy đua đẩy lãi suất huy động vànglên cao để "sống nhờ" vào nguồn tiền mà 5 đồng nghiệp thu được từ việc bán vàng. Khi phải thực hiện nghiêm trần lãi suất VND 14% một năm, nhiều ngân hàng nhỏ hầu như không thể huy động tiền đồng từ dân cư. Nếu muốn vay trên thị trường liên ngân hàng, sẽ phải chấp nhận lãi suất cao, có lúc tới 20%. Vì thế, họ tìm cách huy động vàng, lãi suất cao lắm cũng chưa tới 3% một năm, rồi đem cầm cố ở các ngân hàng thuộc nhóm bình ổn để vay tiền đồng về kinh doanh.
Trên thực tế, khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới (dù quy đổi theo giá đôla tự do hay ngân hàng) không co hẹp một cách ổn định, chỉ giảm nhanh trong 5 ngày đầu thực hiện chủ trương bình ổn và có xu hướng tăng trở lại trong 4 phiên tiếp theo. Khoảng cách giữa giá SJC và giá thế giới quy đổi xuống thấp nhất vào ngày 11/10, khoảng 1,4 triệu đồng mỗi lượng nhưng lại vượt mốc 2 triệu đồng đúng hai ngày sau đó. Tương tự như vậy khi xem xét khoảng cách giữa giá SJC và giá thế giới quy đổi theo đôla chợ đen cộng chi phí nhập khẩu, gia công, mức thấp nhất đạt được vào 11/10, tương đương 310.000 đồng mỗi lượng nhưng đến 14/10 lại leo lên gần 600.000 đồng.
"Điều này cho thấy giá vàng hiện nay vẫn như con ngựa bất kham chưa thể thuần cương. Thị trường vàng vẫn cần thêm thuốc hỗ trợ sau liều kháng sinh vừa qua", vị Tổng giám đốc doanh nghiệp vàng với nhiều năm kinh nghiệm bình luận.
Vài ngày nay, một số ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động vàng, có nơi lên mức 3%, cao nhất trong vòng vài tháng gần đây. Theo biểu lãi suất mới áp dụng từ 11/10, Ngân hàng cổ phần Sài Gòn tăng lãi suất huy động vàng kỳ hạn 10 và 11 tháng lên 3%. Lãi suất cho các kỳ hạn từ một đến 9 tháng đều được nâng thêm 0,2 đến 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ hôm 30/9.
Tương tự, sau khi nâng lãi suất huy động vào cuối tháng 9, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa tiếp tục đẩy cao lãi suất trong biểu lãi suất mới nhất. Nếu như trước đây lãi suất huy động vàng cao nhất ở 2,2% thì hiện nay, ngân hàng này huy động vàng với các mức lãi suất từ 2,00 đến 2,70% cho các kỳ hạn từ một đến 9 tháng.
Trước đó, một loạt ngân hàng nhỏ cũng đã có đợt tăng lãi suất huy độngvàng vào đầu tháng 10 như SCB, HDBank... |
Theo vnexpress.net