Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) ông Võ Hữu Hiển cho biết, quản lý nợ công tại Việt Nam hiện nay đang thực hiện theo cơ chế phân công, phối hợp nhưng chưa có sự chuyên môn hóa về một đầu mối. Các công cụ quản lý nợ công như: chiến lược vay, trả nợ công 10 năm; chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm, các hạn mức vay nợ đã được thể chế hóa và triển khai hiệu quả, tích cực từ khi Luật Quản lý nợ công năm 2017.
Theo ông Võ Hữu Hiển, để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong bối cảnh khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi giảm đi, danh mục nợ phát sinh thêm nhiều loại rủi ro khi vị thế, vai trò kinh tế của Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực. Việc tăng cường áp dụng các công cụ quản lý nợ hiện đại và cơ chế quản lý rủi ro danh mục nợ đồng bộ, thống nhất từng bước áp dụng các thông lệ tốt trong quản lý nợ công theo chuẩn mực quốc tế là cần thiết.
Ông Mike Williams, chuyên gia độc lập của IMF chia sẻ, trên thế giới có các mô hình thể chế để quản lý nợ công gồm mô hình cơ quan thuộc bộ, mô hình cơ quan thuộc Ngân hàng Trung ương, mô hình cơ quan độc lập. Trong mọi trường hợp các mô hình này đều có tư cách pháp nhân riêng, có thể xác định rõ ràng, có khung quản trị cụ thể, có mức độ độc lập nhất định trong vận hành, tách biệt khỏi chính sách tiền tệ nhưng vẫn có thể sử dụng ngân hàng trung ương làm đại lý tài khóa hoặc cho các nhiệm vụ khác.
Cũng tại hội thảo các chuyên gia quốc tế tập trung chia sẻ kinh nghiệm về lựa chọn cấu trúc trong thiết kế một cơ quan quản lý nợ (DMO), cụ thể hóa vai trò, chức năng của DMO thông qua đồng bộ hóa các tài liệu pháp lý, quy trình nội bộ và đưa ra khuyến nghị lộ trình để thiết lập DMO phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thể chế quản lý của Việt Nam.