Cụ thể, Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, tuyến luồng hàng hải Chân Mây dài 3,1km; chiều rộng đáy luồng 150m; vũng quay trở tàu có đường kính 400m, cao độ đáy luồng và vũng quay trở tàu thiết kế -12,2m (Hải đồ).
Quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2), Cục Hàng hải Việt Nam đã thống nhất điều chỉnh hướng tuyến, hệ thống báo hiệu luồng hàng hải Chân Mây và giữ nguyên chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng hiện hữu.
Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn thành đầu tư thiết lập điều chỉnh tuyến luồng và hệ thống báo hiệu hàng hải theo quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.
Do đó, Cục Hàng hải Việt Nam thống nhất việc đưa tuyến luồng hàng hải Chân Mây (sau khi điều chỉnh hướng tuyến) vào khai thác sử dụng để khai thác đồng bộ, hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển tại khu vực. Sau điều chỉnh, hướng tuyến của luồng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam
Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được yêu cầu phối hợp với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị liên quan cập nhật thông tin về tuyến luồng hàng hải Chân Mây (sau khi điều chỉnh hướng tuyến) để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trong khu vực tuyến luồng mới điều chỉnh theo quy định.
Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ các thông số kỹ thuật cơ bản của tuyến luồng hàng hải Chân Mây đã được công bố và các thông số kỹ thuật luồng tàu thực tế hiện hữu theo thông báo hàng hải định kỳ, nội quy cảng biển cùng các quy định, hướng dẫn liên quan để tổ chức phổ biến thông tin.
Cùng với đó, hướng dẫn các doanh nghiệp cảng biển trong khu vực khai thác hiệu quả tuyến luồng tàu bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.