Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng thanh long ruột đỏ ở xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN |
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa 508 thủ tục hành chính, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục (chiếm 56,5%). Cùng với đó, rà soát 345 điều kiện đầu tư kinh doanh, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm 34,2%); rà soát, đề xuất cắt giảm 18/40 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 24 giờ theo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật xuống còn 4 giờ đối với đường bộ, đường hàng không và 10 giờ đối với đường biển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng triển khai giai đoạn 2 cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tại 5 đơn vị thuộc Bộ.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thường xuyên rà soát, tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về thủ tục hành chính để phát hiện, loại bỏ những quy định không phù hợp và ban hành các thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc cải cách hành chính đạt sự đồng thuận cao của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy, cải các hành chính là việc quan trọng để phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp.
Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tập trung rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh, cắt giảm những điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn phù hợp hoặc gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, kết nối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội phát triển, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 8 thủ tục hành chính đối với 2 nhóm dịch vụ công tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Chăn nuôi; triển khai xây dựng bộ phận “một cửa” điện tử hỗ trợ doanh nghiệp, mục “Hỏi-Đáp” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và trang tin điện tử của các cơ quan/đơn vị thuộc Bộ để tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị.
Nhờ đó, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2017, đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016, đưa tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lên 5.700 (đã trừ số doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động). Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và để đầu tư hàng tỷ USD, đạt được những thành công rõ rệt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ trên 1.000 thủ tục hành chính, thời gian qua qua, Bộ đã rà soát, đơn giản hóa còn 508 thủ tục hành chính.