Tuy nhiên để có được dòng vốn chất lượng cao theo Nghị quyết số 50-NQ/TWcủa Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế đi kèm với quản lý, giám sát nhằm hỗ trợ tốt cho các nhà đầu tư.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 22,63 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hồng Kông dẫn đầu về tổng vốn đầu tư, Hàn Quốc đứng thứ hai. Tiếp đó là Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản...
Theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI, trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, bên cạnh việc được Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tạo thuận lợi, doanh nghiệp đang gặp một số trở ngại trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Lee Jong Gun, Tổng giám Công ty TNHH Cáp điện KBI Cosmolink Vina, doanh nghiệp vốn 100% Hàn Quốc đứng chân tại Vĩnh Phúc từ năm 2004, cho biết, trong quá trình hoạt động, công ty nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của tỉnh Vĩnh Phúc trong giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính. Hiện trong số 344 dự án nước ngoài tại Vĩnh Phúc có tới 188 dự án là của Hàn Quốc và hàng tháng các doanh nghiệp Hàn Quốc thường tổ chức cuộc họp để cùng Ban quản lý khu công nghiệp và UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn.
Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động, công ty nhận thấy việc thanh tra thuế chưa hợp lý. Hiện thông thường việc này được thực hiện 5 năm/lần, nhưng cơ quan thuế đang thực hiện 2 - 3 năm/lần. Ông Lee Jong Gun đề nghị, nếu doanh nghiệp báo cáo thuế có vấn đề không ổn định thì thanh tra 2 năm/lần, còn các doanh nghiệp có báo cáo thuế phát triển tốt thì chỉ nên thanh tra 5 năm/lần. Bên cạnh đó, việc cung cấp điện cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần được ổn định để đảm hoạt động sản xuất, tránh gây tổn thất cho doanh nghiệp.
Ông Lee Jong Gun cho biết Tập đoạn KBI Group với 21 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực đang có hướng đầu tư công nghệ cao sang Việt Nam nên mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc có các chính sách ưu đãi về năng lượng, may mặc, y tế công nghệ cao.
Nói về những trở ngại trong thu hút FDI thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâp WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ, tài nguyên, đất đai… để Việt Nam thu hút nguồn vốn này đã không còn.
Vì vậy, Việt Nam buộc phải cạnh tranh trong thu hút đầu tư bằng cơ chế thông thoáng, môi trường kinh doanh thuận lợi theo hướng hoàn thiện hơn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Có như vậy mới khiến các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án lớn, các trung tâm nghiên cứu - phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước...
Có chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí SKD Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã từng đăng ký để tham gia cung ứng sản phẩm linh phụ kiện cho Tập đoàn Samsung hay cả phía Nhật Bản.
Nhưng từ những đánh giá của đối tác Nhật Bản, doanh nghiệp nhận thấy còn nhiều điểm yếu trong sản xuất và công nghệ. Từ đó, doanh nghiệp đã chủ động cùng với phía bạn thay đổi phương thức sản xuất, quản lý, nâng cao công nghệ để tiến dần tới việc cung cấp sản phẩm cho họ.
Đây là một hướng đi mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể làm để tự nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh. Tuy nhiên, để doanh nghiệp trong nước làm được điều này sẽ rất khó. Các doanh nghiệp cần sự giúp sức từ các cơ quan nhà nước, tổ chức thêm các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư, học tập kinh nghiệm sản xuất của các Tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI có công nghệ cao để từ đó có thể học tập được mô hình quản lý, sản xuất và kết nối đầu tư.
Tại Tọa đàm "Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam” diễn ra mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã chỉ ra, mục đích của Việt Nam là sự chuyển giao, lan tỏa công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước nhưng những điều này Việt Nam làm chưa được nhiều. Nếu đầu tư FDI không có sự lựa chọn thì sẽ không có sự kết nối được với những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; thậm chí còn có hiện tượng chèn lấn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.
Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước để đảm bảo tính kết nối, liên thông giữa đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Theo đó, cần trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị của nhà đầu tư nước ngoài. Nghĩa là vừa “kéo”, vừa “đẩy” đối với các doanh nghiệp trong nước.
Một điểm mới trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị nhắc tới đó là áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết. Tiếp tục bảo hộ các nhà đầu tư thông qua một loạt các thể chế như: tiếp tục xây dựng, điều chỉnh các Hiệp định bảo hộ đầu tư đối với các quốc gia, xây dựng cơ chế trọng tài, giải quyết khiếu nại đối với các nhà đầu tư…
Điều này xây dựng dựa trên thực tế những kiến nghị của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ông Jeremy Lefevre, Giám đốc xây dựng khu vực châu Á - Công ty FM Logistics chia sẻ, trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp đã gặp trở ngại trong cạnh tranh về giá với các nhà cung cấp do không đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, môi trường, các giấy phép theo quy định pháp luật.
“Chúng tôi không thể vừa đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định vừa có giá hàng hóa thấp như các nhà cung cấp khác do họ không đáp ứng các tiêu chuẩn trong sản xuất”, ông Jeremy Lefevre nói và đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ và kiểm tra kỹ từng quy định, điều luật.
Cùng đó, khi các điều luật đã được sửa đổi rõ ràng thì cần có bộ máy giám sát việc thực thi một cách kiên quyết. Ví dụ như các đơn vị cố tình vi phạm luật thì Chính phủ phải có hành động quyết liệt như yêu cầu dừng hoạt động, bắt buộc phải sửa đổi hoặc cần thiết thì đóng cửa những doanh nghiệp đó. Có như vậy thì môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam mới được nâng lên.
Theo bà Đinh Thu Hằng, Phó ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để đạt được mục tiêu Nghị quyết 50 đề ra, trước hết Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách chung và khung pháp lý về đầu tư nước ngoài; trong đó có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài từ khâu gia nhập thị trường, đầu tư kinh doanh và rút khỏi thị trường; minh bạch việc mở cửa thị trường trong từng ngành, lĩnh vực; thống nhất các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, tiếp cận đất đai, xây dựng và quản lý nhà nước đối với dự án của nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chính sách về quản lý, giám sát đầu tư. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu; xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết. các chính sách về quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phải được quan tâm hoàn thiện.
Tiếp đến là điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sao cho tương thích với các cam kết của các Hiệp định (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; thực thi có hiệu quả FTA tạo thuận lợi thương mại của WTO mà Quốc hội đã phê chuẩn.
Bài cuối: Kinh nghiệm từ thế giới