Một trong những quan điểm chỉ đạo mà Nghị quyết 50 -NQ/TW chỉ ra là chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu...
Tuy nhiên, sự thay đổi này có tạo nên một dòng vốn mới chảy mạnh mẽ và đúng hướng hơn hay không? Điều này đòi hỏi Việt Nam cần sớm có một chương trình hành động, sớm thể chế hóa các định hướng chính sách quan trọng mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Cần hệ thống chính sách hạn chế tác động ngược
Mục tiêu cụ thể Nghị quyết 50 đề ra đó là, tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỉ lệ nội địa hóa tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
Theo đó, vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm).
Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm).
Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết khẳng định thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phải khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ và xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài không phù hợp với các cam kết quốc tế.
Cùng với đó, Nghị quyết xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn cũng như xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Cụ thể, Nghị quyết có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện, chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến cũng được khuyến khích phát triển.
Việt Nam cũng có ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Nghị quyết cũng quy định việc xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; phân biệt ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau.
Điểm đặc biệt, ngoài các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động theo đúng tiêu chí thu hút của Việt Nam, Nghị quyết cũng đề cập tới việc áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, hiện nay việc cạnh tranh thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài diễn ra rất gay gắt giữa các nước trong và ngoài khu vực. Do vậy, việc định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đã tập trung vào hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng nhất hỗ trợ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, còn có hệ thống chính sách để hạn chế những tác động ngược của đầu tư nước ngoài như: doanh nghiệp FDI chuyển giá, gian lận thuế…
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết thêm, trong các Nghị quyết của Chính phủ như: Nghị quyết 19 NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết 50 lần này của Bộ Chính trị cũng đã đề cập đến việc tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021 và nhóm ASEAN 3 trước năm 2030. Do vậy, việc chọn lọc đối với các dự án FDI là xu thế tất yếu.
Theo ông, Nghị quyết 50 cũng đã nêu rõ thu hút FDI là hợp tác đầu tư nước ngoài, thể hiện sự chủ động cũng như sự bình đẳng giữa các bên cũng như đề cao hơn nữa trách nhiệm của các nhà đầu tư. Với tính chất hợp tác như vậy, Việt Nam sẽ có bộ lọc trong các lĩnh vực môi trường, công nghệ… để các dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam về ứng dụng khoa học công nghệ, thâm dụng vốn, không sử dụng những lao động giản đơn..
Hiện nay, Luật Đầu tư cũng đã có cơ chế bảo hộ nhà đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư được thực hiện tất cả những gì luật pháp Việt Nam không cấm, không hạn chế và được bảo hộ về tài sản, về quyền hợp pháp của đầu tư.
Nghị quyết lần này cũng đã nhấn mạnh đến việc tiếp tục bảo hộ các nhà đầu tư thông qua một loạt các thể chế như: tiếp tục xây dựng, điều chỉnh các Hiệp định bảo hộ đầu tư đối với các quốc gia, xây dựng cơ chế trọng tài, giải quyết khiếu nại đối với các nhà đầu tư…
“Đây là Nghị quyết tổng thể có tính đến việc nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo hộ cho các nhà đầu tư khi họ thực hiện các dự án đầu tư vào Việt Nam”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng có nhiều dự án hiện hữu, nhưng không còn phù hợp với định hướng trong thu hút FDI mới, Thứ trưởng Thắng khẳng định, những dự án đang trong tình trạng cũ, lạc hậu không thể xóa bỏ được ngay mà cần có những biện pháp vận động, khuyến khích để họ đổi mới công nghệ, dây chuyển sản xuất…
Ngoài ra, Việt Nam cần cương quyết, không cho phép gia hạn đối với những dự án không thay đổi công nghệ nếu như họ vẫn sử dụng những công nghệ cũ…
Thu hút đầu tư thời kỷ nguyên số: Chậm hoàn thiện thể chế là mất cơ hội!
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra theo định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài mới, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Đỗ Nhất Hoàng cho biết, có 4 nhóm giải pháp chính cần thực hiện. Đó là cần rà soát lại sự chồng chéo của hệ thống pháp luật; trong đó, điều chỉnh cho đồng bộ để đảm bảo tính thực thi.
Tiếp đến là nhóm chính sách thu hút các dự án đầu tư. Trên quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, Việt Nam cần đưa ra phương pháp chọn bỏ; đồng thời có các tiêu chí, tiêu chuẩn, kỹ thuật về công nghệ, môi trường, đất đai, suất đầu tư, tính lan tỏa, giá trị gia tăng của dự án… để đánh giá việc đầu tư. Việt Nam cũng cần có những nghiên cứu để đưa ra những ưu đãi mang tính đột phá, có tính cạnh tranh nhằm thu hút các dự án đầu tư đối với những ngành, lĩnh vực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Nhóm thứ 3 là phải bảo đảm quyền, lợi ích và tài sản của nhà đầu tư; nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực thi pháp luật cũng như cộng đồng đối với việc đóng góp cho ngân sách và đảm bảo cuộc sống cho người lao động…”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Đối với nhóm giải pháp cuối cùng là quản lý và giám sát đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, cần quy định các dự án đầu tư thực hiện đúng quy hoạch và phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển đô thị đồng bộ, hài hòa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, có sự rà soát các quy định liên quan đến chống độc quyền, chuyển giá và ngăn chặn hình thức đầu tư chui, đầu tư “núp bóng” để đảm bảo an ninh - quốc phòng một cách hiệu quả.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế có nhiều thay đổi, những điều kiện về tài nguyên, nguồn nhân lực, đất đai ngày càng giới hạn, để hấp dẫn các nhà đầu tư, Việt Nam cần có một thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tập trung phát triển những tiềm năng, lợi thế lớn, đặc biệt là tiềm năng về con người…
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cho rằng, sau khi Nghị quyết được ban hành, Việt Nam phải thay đổi rất nhanh chóng về thể chế kinh tế, các khâu về quản lý Nhà nước và nếu để thời gian trôi đi thì dù có bao nhiêu Nghị quyết cũng không hiệu quả.
“Chúng ta đang sống trong thời kỳ kỷ nguyên số, Cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian cũng là thước đo "hơn, thiệt", nếu sớm hơn một ngày thì khác, còn chậm hơn một ngày thì thất bại”, GS.TSKH Nguyễn Mại lưu ý.
GS.TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng, tinh thần của Bộ Chính trị là không chỉ thay đổi thể chế kinh tế mà thay đổi cách làm Luật. Đơn cử như vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài, Bộ Chính trị đã đưa cảnh báo từ lâu, nhưng đến bây giờ cũng không có Luật nào về chống chuyển giá.
“Cái gì cũng tồn tại như thế này mà không giải quyết được thì phản ứng chính sách quá chậm. Đây là thời điểm cần thay đổi”, GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Cùng với những giải pháp nêu trên, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng cho rằng, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ và giải pháp về đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động về đầu tư nước ngoài; đồng thời, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghị quyết 50 được ban hành nhằm quy định cụ thể hơn những quy định kỹ thuật để hạn chế các nhà đầu tư xấu, làm ăn chộp giật… và khi đó môi trường đầu tư kinh doanh sẽ lành mạnh, minh bạch hơn, dành nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nghiêm túc, bài bản. Đây cũng chính là những điều mà các nhà đầu tư chân chính đang chờ đợi.
Vấn đề là làm thế nào để thực thi hiệu quả Nghị quyết được ban hành và công việc trước mắt là cần sớm có chương trình hành động, thể chế hóa các định hướng chính sách quan trọng mà Bộ Chính trị đã đề ra để Việt Nam sớm đón được những dòng vốn FDI chất lượng, tác động tích cực vào nền kinh tế.
Bài 2: Đón dòng vốn FDI 'xanh'