Trong 5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện đạt 358,55 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, áp lực bội chi năm nay thậm chí còn lớn hơn các năm trước, và để xử lý tình trạng này, cơ quan chức năng cần tiếp tục kiểm soát chặt nguồn chi, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu.
Thu ngân sách tăng
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trong số tổng thu NSNN thì thu nội địa đạt 248,71 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2013. Nhiều khoản thu quan trọng từ khu vực kinh tế quốc doanh, công thương nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đạt tiến độ khá.
Về số thu từ dầu thô giảm nhẹ (đạt 46,44 nghìn tỷ đồng, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2013), Bộ Tài chính lý giải là do 5 tháng đầu năm ngoái có khoản thu đột xuất từ tiền lãi được chia cho nước chủ nhà giai đoạn 2006 - 2011. Năm nay nếu trừ khoản thu này, mức thu dầu thô 5 tháng vẫn tăng 10,6%. Khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 94,98 nghìn tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm đạt khá.
Theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN tháng 5 là 82,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 5 tháng đạt 414,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù áp lực chi vẫn cao nhưng đại diện Bộ Tài chính cho rằng, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 5 tháng đầu năm vẫn bảo đảm theo đúng dự toán và tiến độ triển khai.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về tình hình thu chi ngân sách riêng tháng 5, một cán bộ của Tổng cục Thuế (TCT) cho rằng: Tháng 5/2014 trong nước có nhiều biến động như: Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng biển Việt Nam; cuộc gây rối, đập phá doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh khiến việc thu ngân sách bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đánh giá về tình hình nguồn thu trong 5 tháng đầu năm, đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng: Sản xuất tiếp tục xu hướng cải thiện cũng tác động tích cực đến thu NSNN. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 5,6%, cao hơn mức tăng 5,4% của 4 tháng năm 2014.
Kiểm soát nguồn chi và gỡ khó cho DN
Để cân đối NSNN, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc kiểm soát chi cần phải được thực hiện mạnh mẽ. Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong: Bội chi ngân sách đang là một áp lực và áp lực đó đã kéo dài suốt cả 1 thập kỷ nay. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, áp lực này tăng rõ rệt do các doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn khó khăn; đồng thời Nhà nước cũng thực hiện các khoản giảm thuế cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các khoản chi lại tăng lên, như chi cho nhiều vấn đề về phát triển, trả nợ, an sinh xã hội và các khoản chi khác.
Đề cập tới vấn đề này, đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: Chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán. Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản lớn, số dự án đầu tư hoàn thành chưa quyết toán tồn đọng nhiều.
Theo Kho bạc Nhà nước, các đơn vị trong toàn hệ thống đã phát hiện khoảng 12.500 khoản chi chưa đủ thủ tục trong 5 tháng đầu năm nay. Số tiền thực mà ngành kho bạc từ chối thanh toán là 24,5 tỷ đồng. Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán khoảng 47,5 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng đối tượng, thủ tục đầu tư không đúng quy định.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ nguồn chi, thì các cơ quan chức năng cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, củng cố niềm tin cho giới đầu tư nước ngoài. Mới đây, các nhà đầu tư nước ngoài đã đánh giá cao về sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc cam kết hỗ trợ, bồi thường bảo hiểm cho những doanh nghiệp bị thiệt hại ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh vừa qua. Động thái này khiến các nhà đầu tư thêm phần yên tâm để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu cho nguồn NSNN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính đã làm việc trực tiếp với các địa phương, các doanh nghiệp và ban hành kịp thời 9 giải pháp về tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Để đạt kế hoạch thu NSNN năm 2014 là 624.200 tỷ đồng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu để động viên thu NSNN kịp thời; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế. “Chúng tôi sẽ tập trung thanh tra các doanh nghiệp có hoạt động liên kết, báo lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, có rủi ro cao về thuế, kinh doanh thương mại điện tử; quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, không để phát sinh thêm số nợ thuế mới; cương quyết thu thuế của các đối tượng, trường hợp cần phải nghiêm khắc xử lý, chống thất thu NSNN”, ông Nam cho biết.
Minh Phương