Dúi thịt được bán giá từ 800.000 - 1.000.000 đồng/kg; dúi giống có giá bán theo độ tuổi, thông thường dúi 3 tháng tuổi sẽ xuất bán với giá 3 triệu đồng/cặp, 6 tháng tuổi bán với giá 6 triệu đồng/cặp. Thu nhập mỗi năm của gia đình ông đạt 1 tỷ đồng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, tốt nghiệp cấp 3 ông Lê Trọng Lệ phải nghỉ học để đi làm công nhân xây dựng tại các công trình thủy điện. Tại đây, ông được dùng món ăn chế biến từ con dúi mỗi ngày. Đây là món ăn ngon nhưng ít người biết đến. Sau những bữa ăn này, ông Lệ đã nảy ra ý định về quê chăn nuôi dúi.
Năm 2008, sau nhiều năm làm ăn xa, công việc bấp bênh, ông Lệ quyết định về quê trồng trọt chăn nuôi gà, bò, lợn nhưng được hơn một năm thì dịch bệnh khiến đàn vật nuôi chết nhiều. Vượt qua thất bại, ông chủ động tìm hiểu sự sinh sản của loài dúi quan sách báo, mạng internet. Ngay sau khi nắm vững kiến thức chăn nuôi, ông Lệ đã thuê người xây chuồng nuôi, mua dụng cụ phục vụ việc chăn nuôi.
Để con dúi phát triển tốt, ông xây chuồng nuôi cao 80 cm, nền lát xi măng, kích thước mỗi ô nuôi khoảng 1 m2 để dúi mẹ sinh sản bởi đây là loài gặm nhấm, ưa đào hang. Đối với giống dúi má đào, thời gian sinh sản khoảng 14 tháng; một năm hai lần, mỗi lần sinh từ 4 - 5 con. Còn đối với giống dúi mốc sinh sản từ 2 - 3 lần trong một năm.
Một trong những thuận lợi khi chăn nuôi là loài dúi không gây ô nhiễm môi trường, không tốn thời gian chăm sóc, thức ăn dễ kiếm trong tự nhiên, chủ yếu là ngô, mía, lá tre, thân cỏ... Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dúi, ông thuê một khu đồi rộng 0,5 ha để tự trồng một số loại cây lấy thức ăn con dúi.
Theo ông Lệ, nếu đem so với các vật nuôi khác thì dúi thuần rất ít bệnh, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt. Quá trình sinh trưởng, dúi con nuôi được 6 - 7 tháng thì có thể ghép đôi để giao phối. Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, kể từ khi giao phối đến khi sinh sản là 45 ngày, khi dúi nuôi con được 45 ngày thì tách mẹ nuôi thành dúi thịt, sau 3 tháng chăn nuôi có thể xuất bán.
Từ những cặp dúi giống ban đầu, sau 1 năm đã bắt đầu sinh sản, cứ thế sau 3 năm đàn dúi vẫn phát triển tốt và sinh sản đều. Đến nay, trang trại của ông Lệ đang nuôi 2.000 con dúi má đào và dúi mốc, sản phẩm dúi của ông Lệ luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được nhiều tiểu thương, nhà hàng ở tỉnh Thanh Hóa và Hà Nội tìm mua.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, ông Lệ cho biết, ông sẽ tiếp tục mở rộng trang trại, nuôi thêm nhiều loại dúi mới để tăng thêm thu nhập. Đồng thời, giúp đỡ những người dân địa phương chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi để cùng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Theo ông Lê Xuân Trường - Chủ tịch Hội nông dân huyện Triệu Sơn cho biết, huyện có khoảng 20 hộ chăn nuôi dúi; trong đó, mô hình nuôi dúi má đào, dúi mốc thương phẩm của ông Lê Trọng Lệ ở xã Vân Sơn đang cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ nhân rộng mô hình nuôi dúi và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân thực hiện, góp phần giảm nghèo tại địa phương.