Huyện Phù Cừ hiện trồng 1.100ha vải, gồm vải lai chín sớm Phù Cừ (850ha) và vải trứng Hưng Yên (252ha) được sản xuất theo quy trình VietGAP. Vải lai chín sớm Phù Cừ được trồng chủ yếu ở các xã phía nam của huyện như Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến. Trên địa bàn huyện hiện có 3 vùng đã được cấp chứng nhận vùng có đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu (vùng được cấp mã số OTAS).
Ông Vũ Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho biết, niên vụ 2023, vải lai chín sớm Phù Cừ dự kiến cho thu hoạch rộ vào thời điểm nửa cuối tháng 5, sớm hơn các loại vải khác trên thị trường từ 2 - 3 tuần. Sản lượng quả tươi năm năm nay của toàn huyện dự kiến đạt 12.000-12.500 tấn. Chất lượng vải năm nay cũng được đánh giá tốt hơn so với mọi năm, do bà con tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc áp dụng khoa học kỹ thuật.
Bà Đồng Thị Thu Hương, Giám đốc Hợp tác xã Minh Tiến, xã Minh Tiến cho hay, năm nay, thời tiết rất ủng hộ cho cây vải phát triển. Chính vì thế, nhiều nhà vườn có số lượng cây đậu quả chiếm 80 - 90% tổng diện tích. Những ngày đầu tháng 5 này không khí mát mẻ, thỉnh thoảng có trận mưa sẽ khiến vải chín nhanh. Sản lượng năm nay dự kiến tăng 10 - 20% so với năm trước.
Điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu đã giúp cây vải lai chín sớm trồng trên đất Phù Cừ có những ưu thế vượt trội. Ưu thế chín sớm cộng với mẫu mã sáng, đẹp, vị ngọt thanh đặc trưng đã khiến quả vải lai chín sớm Phù Cừ những năm gần đây trở thành một sản phẩm nông sản thu hút thị hiếu khách hàng, cứ đến vụ thu hoạch, thương lái về đặt mua rất nhiều.
Theo các nhà vườn, rất nhiều doanh nghiệp, thương lái đã đến đặt mua vải lai chín sớm, sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi vải vào mùa. Điều này là do chính quyền địa phương luôn có phương án kết nối tiêu thụ nông sản giữa nhà vườn và các doanh nghiệp, thương nhân; tổ chức phiên chợ để nhiều người tiêu dùng biết đến.
Bà Đồng Thị Thu Hương cho biết, những năm gần đây, UBND huyện Phù Cừ thường tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải lai chín sớm trước thời điểm thu hoạch vải. Rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các thương lái được mời đến dự và tham quan các vườn vải và đã ký kết hợp tác tiêu thụ. Năm nay, Hợp tác xã Minh Tiến nhận được rất nhiều thư ngỏ của các công ty xuất nhập khẩu, các đơn vị bán buôn, bán lẻ, các thành viên trong hợp tác xã đang hoàn tất những công đoạn cuối, chờ vải chín để cung ứng.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc chuỗi siêu thị Đức Thành tại Hà Nội cho biết, với ưu thế chín sớm, chất lượng ngọt thanh nên quả vải lai của huyện Phù Cừ luôn có giá trị cao, được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Vụ vải năm 2023, hệ thống siêu thị Đức Thành dự kiến tiêu thụ khoảng 50 - 70 tấn vải lai chín sớm Phù Cừ.
Ông Nguyễn Khả Phúc, Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ khẳng định, huyện luôn tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thương nhân ký kết thu hoạch, chế biến, lưu thông và tiêu thụ vải lai chín sớm. Đề nghị các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà vườn trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện tốt việc chăm sóc vải cho đến khi thu hoạch, đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng và các quy định về nhãn hiệu trong quá trình thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian qua, để xây dựng thương hiệu vải lai chín sớm, huyện Phù Cừ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất vải lai chín sớm đạt tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký sản phẩm OCOP. Vải lai chín sớm Phù Cừ là sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2016, được UBND tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Ngoài ra, hàng năm huyện Phù Cừ cũng hỗ trợ giống, vốn cho người dân trồng vải, làm cơ sở hạ tầng như đường ra đồng để ô tô có thể vận chuyển thuận lợi mỗi khi vào vụ.
Ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho hay, Sở Công Thương đang chuẩn bị tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại của tỉnh và khởi đầu là Phiên chợ vải Hưng Yên tại Khu đô thị Ecopark - huyện Văn Giang. Trên cơ sở thời điểm thu hoạch vải, sở Công Thương sẽ phối hợp với UBND huyện Phù Cừ xác định thời điểm phù hợp nhất để tổ chức phiên chợ vải nhằm phát huy tối đa hiệu ứng của sự kiện tới việc tiêu thụ vải năm nay, dự kiến vào cuối tháng 5.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cũng đề xuất các đơn vị liên quan rà soát lại các doanh nghiệp phân phối, thương nhân đã có mối quan hệ mua bán, đã ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản của huyện để thông tin, mời gọi về tìm hiểu, tiêu thụ sản phẩm trong niên vụ 2023. Sở Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ, sát cánh cùng bà con tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị, thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu uy tín.
"Bà con cần tuyệt đối giữ chữ tín với các doanh nghiệp, thương nhân, phân phối, không vì lợi ích trước mắt mà phá vỡ các cam kết về chất lượng sản phẩm, thời điểm giao hàng, tự đánh mất uy tín nông sản của địa phương. Bên cạnh đó, các nhà vườn cần có sự liên kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong khâu chăm sóc, thu hái, bảo quản, giá bán nhằm tạo sự ổn định trong tiêu thụ, tránh hiện tượng phá giá, cung cấp thông tin không chính xác về sản phẩm, làm mất uy tín lẫn nhau", Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đề nghị.