“Nhiệm vụ là xây dựng giải pháp tốt nhất hỗ trợ cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp, các đối tượng khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong 2021. Trong báo cáo đánh giá, Bộ KH&ĐT cũng báo cáo với Chính phủ: Năm 2021, tình hình COVID-19 rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, và còn kéo dài thêm một số năm sau đó”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Về lộ trình mở cửa nền kinh tế và chuyển đổi số, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: “Mở cửa nền kinh tế được hiểu là mở cửa giao thương, vận tải hành khách. Việc mở cửa giao thương vận tải hành khách phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong bối cảnh COVID-19 phức tạp, thậm chí có chủng mới. Về vaccine, hiện nay mới chỉ có thông tin ban đầu, chưa khẳng định việc tiêm vaccine trong năm 2021, đặc biệt là có sự khác biệt về mặt phạm vi, quy mô tiêm vaccine, khả năng bao phủ diện tiêm vaccine... Những điểm này chưa có đủ thông tin để khẳng định có thể mở cửa vận tải hành khách, giao thương”.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, hiện nay, vẫn chưa thể xác định thời điểm cho phép giao thương, mà phụ thuộc vào việc nắm bắt tình hình, như khẳng định mức độ an toàn khi mở cửa thị trường, giao thương, hành khách, đặc biệt là với ngành du lịch.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết: Năm 2020, sau một thời gian mở cửa trở lại một số đường bay, do tình hình dịch phức tạp của COVID-19 vào thời gian cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng, tiếp tục theo dõi, sau đó quyết định sau.
Trong báo cáo gửi Chính phủ và Thủ tướng, Bộ KH&ĐT quán triệt việc mở cửa nền kinh tế với ý nghĩa giao thương hành khách là phải có sự tính toán thận trọng, kỹ lưỡng với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân. Thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán, việc kiểm soát nhập cảnh bất hợp pháp rất vất vả, khó khăn.
“Nhu cầu người dân được trở về ăn Tết rất lớn, nếu không đi được chính ngạch, họ sẵn sàng nhập cảnh trái phép, nếu không kiểm soát được sẽ rất nguy hiểm. Về mặt lộ trình ngày giờ nào phải tính toán rất cân nhắc, các bộ, ngành liên quan sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng về việc xem xét mở lại giao thương về mặt phạm vi, quy mô về mặt quốc gia để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Về chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, đây là nhiệm vụ được đề xuất trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Chuyển đổi số quốc gia không chỉ trong phạm vi cơ quan nhà nước, Chính phủ; mà còn trên diện rộng, đặc biệt là với doanh nghiệp. Trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp kết hợp áp dụng với kỹ thuật số, công nghệ số là đòi hỏi khách quan và bức thiết để phục vụ cho tăng trưởng.
"Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta có được sức bật cho tăng trưởng giai đoạn tới và nếu không chuyển đổi số kịp thời thì đây là yếu tố có thể dẫn tới nguy cơ nền kinh tế tụt hậu, đó là đòi hỏi bức thiết phải chuyển đổi số. Chuyển đổi như thế nào, bước đi ra sao thì sau khi có chương trình, đề án cụ thể triển khai Nghị quyết của Đảng; Quốc hội, Chính phủ sẽ có lộ trình phù hợp với từng ngành, lĩnh vực" -Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ triển khai ngay từ năm 2021 một chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi số và cơ cấu lại doanh nghiệp ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm tới. Mục tiêu là cố gắng cho các doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng bắt kịp xu thế chuyển đổi số - đây là xu thế rất mạnh mẽ. Đồng thời, đây cũng là điều kiện giúp các doanh nghiệp Việt Nam có sự liên kết với nhau tạo sức mạnh tổng hợp, làm cho doanh nghiệp có thể phát triển.