Nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu
Theo dự báo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang, năm 2020, địa phương có trên 28.000 ha trồng vải, sản lượng dự báo ước đạt trên 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, lượng vải sớm (khoảng 45.000 tấn) sẽ thu hoạch vào trung tuần tháng 5; vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch từ ngày 10/6. Cùng với đó, tỉnh Hải Dương có 9.700 ha vải, dự kiến tổng sản lượng quả đạt 45.000 tấn.
Hiện, vụ thu hoạch vải đã cận kề, tuy nhiên nỗi lo lớn nhất của bà con lúc này là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phía Nhật Bản không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi, do vậy, chuyến hàng quả vải tươi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản dự báo sẽ gặp khó khăn trong vụ thu hoạch 2020.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã có công hàm gửi cho các cơ quan của chính quyền Nhật Bản đề nghị có những biện pháp linh hoạt để có thể thúc đẩy xuất khẩu lô hàng vải tươi đầu tiên sang Nhật Bản trong mùa vụ năm nay.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng trao đổi thêm với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cơ quan đầu mối, cùng phối hợp với phía Nhật Bản để có thể đưa ra nhóm giải pháp phù hợp nhất.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện việc kiểm tra hệ thống khử trùng trong thời gian trước mắt; Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa, kiểm tra trên hồ sơ và kiểm tra thông qua truyền hình trực tiếp các cơ sở khử trùng...
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Cục Xúc tiến thương mại đã làm việc trực tiếp với địa phương để hỗ trợ tiêu thụ. "Chúng tôi đã làm việc với Sở Công Thương Bắc Giang và thống nhất sẽ tổ chức hội nghị giao thương kết nối cung cầu nhằm xúc tiến tiêu thụ vải thiểu năm 2020, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 tới đây khi bắt đầu vào mùa vụ vải tại Bắc Giang. Hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến từ đầu cầu Bắc Giang kết nối với 62 tỉnh, thành trên cả nước và 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc). Đây cũng là hai tỉnh tiêu thụ chính sản lượng vải xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc hàng năm", ông Chiến cho biết.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết thêm, sau hội nghị trực tuyến giao thương cho quả vải, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn trong tháng 7 với mô hình tương tự như tỉnh Bắc Giang.
Hướng tới thị trường nội địa và chế biến sâu
Theo Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để thích ứng trong bối cảnh dịch COVID-19 cũng như để đảm bảo xuất khẩu bền vững lâu dài, về phía các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật các thông tin thị trường, cũng như diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới. Việc cung cấp thông tin đã được Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật trên trang cổng thông tin của Bộ.
Đối với thị trường Trung Quốc, việc tháo gỡ giữa hai bên để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hai bên trong thời gian qua đã được đẩy mạnh, các cửa khẩu đã dần được mở rộng thêm và thời gian thông quan đã tăng thêm. Dự kiến trong thời gian tới, xuất khẩu rau quả nói riêng và nông sản nói chung sang Trung Quốc sẽ được cải thiện...
Tuy nhiên, muốn định hướng phát triển lâu dài thì đầu tiên các sản phẩm phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Chất lượng sản phẩm phải đảm bảo đồng đều, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì... cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nước nhập khẩu cũng như các hướng dẫn của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phân phối xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp cần sản xuất theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Người nông dân nên sản xuất theo đúng quy định, yêu cầu mà các doanh nghiệp, nhà phân phối đặt ra.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu vải tươi, một trong những giải pháp đầu ra cho trái vải của các doanh nghiệp là tập trung vào khâu chế biến sâu, nhiều doanh nghiệp có sự sáng tạo trong nâng cao giá trị chế biến trái vải để làm ra các sản phẩm như vải khô, vải đóng hộp…Đây là hướng đi bền vững để khắc phục vấn đề mùa vụ của mặt hàng nông sản này.
Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên triển khai hội nghị kết nối cung - cầu giữa các địa phương; giữa các địa phương với các kênh phân phối lớn, hệ thống siêu thị.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã tổ chức kết nối với các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam như: Aeon Mart, Lotte Mart để đưa sản phẩm nông sản Việt vào hệ thống siêu thị của họ tại thị trường nước ngoài. Qua đó, sản phẩm nông sản Việt sẽ dần có vị thế và chỗ đứng tại thị trường thế giới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến/online để tiếp tục kết nối giao thương, hỗ trợ duy trì và thúc đẩy chuỗi cung cầu hàng hóa nông thủy sản, trái cây trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc, ASEAN...
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 525,6 triệu USD, giảm 22,7%, chiếm tỷ trọng 59%.
Đứng thứ hai là các nước ASEAN với kim ngạch đạt 84,9 triệu USD, tăng 147,9%, chiếm tỷ trọng 9,5%.
Thứ ba là Hàn Quốc đạt 41,6 triệu USD, tăng 33%, chiếm tỷ trọng 4,7%.
Tiếp đến là các thị trường: EU (đạt 37,1 triệu USD, tăng 10,3%, chiếm tỷ trọng 4,2%); Hoa Kỳ (đạt 35,8 triệu USD, tăng 12,8%, chiếm tỷ trọng 4.02%); Nhật Bản (đạt 35,6 triệu USD, tăng 26%, chiếm tỷ trọng 4,0%).