Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cảm ơn Ngân hàng Thế giới (WB) và cá nhân Giám đốc khu vực Đông Á, Thái Bình Dương phụ trách cơ sở hạ tầng của WB và Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và quan trọng hỗ trợ Việt Nam thông qua tư vấn chính sách, tài trợ ODA, hỗ trợ kỹ thuật về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng trong thời gian qua.
Từ năm 1995 đến nay, WB đã tài trợ cho ngành Điện lực Việt Nam thực hiện 12 chương trình, dự án nguồn điện, phát triển lưới điện nông thôn, lưới điện truyền tải và phân phối… với tổng giá trị vay đạt khoảng 3,92 tỷ USD. Hiện nay, ngành điện đang có các khoản vay vốn WB cho một số dự án phát triển năng lượng.
Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, trung bình, mỗi năm Việt Nam cần đưa vào vận hành gần 8.000MW nguồn điện, tương ứng với nhu cầu vốn đầu tư mỗi năm từ 9 đến 10 tỷ USD.
"Đây là lượng vốn lớn, cần huy động cả nội lực và các khoản tín dụng để đảm bảo" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời mong muốn WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tìm kiếm nguồn vốn, tư vấn kỹ thuật và xây dựng khung cơ chế chính sách để đảm bảo Việt Nam có thể cung ứng năng lượng đầy đủ, bền vững phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Ranjit Lamech, Giám đốc khu vực Đông Á, Thái Bình Dương phụ trách cơ sở hạ tầng của WB và ông Ousmane Dion Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đều đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về sự quan trọng của việc đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng và bày tỏ ấn tượng với những thành công của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng thời gian vừa qua, đặc biệt là phát triển năng lượng tái tạo.
Trên cơ sở đó, đại diện WB cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm khơi thông nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng năng lượng; rà soát các vướng mắc tại một số dự án nguồn điện lớn để sớm đưa các công trình này đi vào hoạt động. Việt Nam cũng cần giải quyết vấn đề quá tải hệ thống truyền tải trong thời gian sớm nhất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá những vấn đề mà WB đề xuất đều là các kiến nghị rất sát với tình hình thực tế của Việt Nam; đồng thời nhận định, nguy cơ thiếu điện là rất dễ xảy ra nếu không có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phát triển nguồn, hệ thống truyền tải.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đặt ra yêu cầu không thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và hiện đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó, Việt Nam sẽ điều chỉnh lại quy hoạch trong đó xác định rõ cơ cấu nguồn điện, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện; tiếp tục xác định các dự án trọng điểm để đầu tư tập trung, tháo gỡ khó khăn trong triển khai; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư hạ tầng năng lượng, xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn điện, mạng lưới điện, đặc biệt là các loại hình năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...