Sáng 18/11 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương, UBND TP Hồ Chí Minh và Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2020 với chủ đề "25 năm quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và hành trình phía trước".
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết năm 2001, Hiệp định thương mại Việt - Hoa Kỳ (BTA) đã có hiệu lực. Sau khi BTA có hiệu lực, Hoa Kỳ đã áp dụng Quy chế quan hệ thương mại bình thường với Việt Nam, giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Sau 25 năm, mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng phát triển hài hòa, bền chặt hơn và bổ trợ lẫn nhau khá tốt. Hiện nay, Hoa Kỳ đã là đối tác phát triển thương mại, kinh tế, văn hóa, giáo dục… quan trọng của Việt Nam. Tính chất bổ trợ giữa hai nền kinh tế còn thể hiện rõ trong việc Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, thủy sản, điện tử, điện thoại, máy móc… Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu lớn nhập khẩu các sản phẩm như máy móc nông nghiệp, nguyên vật liệu, công nghệ nguồn… để đảm bảo sự phát triển và sự mở rộng nhanh của nền kinh tế thị trường.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, chính sự hợp tác bền chặt trong 25 năm qua đã giúp duy trì sự tăng trưởng ổn định của hai nền kinh tế. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng vọt từ mức 450 triệu USD năm 1995 lên 75,7 tỷ USD vào cuối năm 2019. Ngoài ra, năm 2019, Hoa Kỳ cũng đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang được xuất khẩu sang Mỹ tăng cao như: dệt may tăng 12%; giày dép tăng 24%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 87%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 35 % so với năm 2018.
“Năm 2020, dù chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã chuyển hướng quan tâm hơn tới Việt Nam để phát triển chuỗi mô hình cung ứng mới. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đã đánh giá Việt Nam sẽ trở thành nơi đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Sắp tới, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều có nhiều triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực như: năng lượng, y tế, hàng không, quốc phòng, giáo dục… Đây cũng là nền tảng vững chắc để hai nước thúc đẩy trao đổi về những vấn đề phát triển thương mại chiến lược quan trọng trong tương lai. Với vai trò là một cơ quan cầu nối quan trọng, Bộ Công thương sẽ dành ưu tiên cao cho việc trao đổi, thảo luận tìm kiếm các giải pháp xử lý thỏa đáng những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước nói chung và giữa các doanh nghiệp hai nước nói riêng khi xuất khẩu hàng hóa, để đáp ứng một cách cao nhất lợi ích của cả hai nước nói chung và các doanh nghiệp hai nước nói riêng”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Là địa phương có lượng hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ lớn nhất cả nước, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ của TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng cao. Năm 2019, xuất khẩu của Thành phố vào Hoa Kỳ đạt hơn 6,7 tỷ USD, tăng 23%; trong 11 tháng của năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu cũng đạt 6,1 tỷ USD, tăng 1,1 % so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của TP Hồ Chí Minh vào Hoa Kỳ bao gồm: dệt may, máy tính, sản phẩm điện tử, sản phẩm gỗ, túi xách… Nhiều năm qua, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã có những hợp tác thương mại, kí kết kinh tế với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh cũng đang hợp tác với Hoa Kỳ triển khai 3 đề án phát triển đô thị quan trọng như: đô thị thông minh, trung tâm tài chính quốc tế, khu đô thị sáng tạo phía Đông.
“Để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung và giữa các doanh nghiệp Hoa Kỳ với doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng, chính quyền TP Hồ Chí Minh sẽ luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hai nước. Thành phố cũng sẽ kịp thời tháo gỡ các khó khăn liên quan đến chính sách quy định để doanh nghiệp thành phố xuất khẩu hàng hóa nhanh chóng, dễ dàng vào Hoa Kỳ và ngược lại”, ông Lê Thanh Liêm cho biết.
Trong khuôn khổ của diễn dàn, các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận nhiều chủ đề xoay quanh các nội dung như: Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương về kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; những chính sách đầu tư bền vững và có khả năng dự đoán trước để phát triển và đổi mới sáng tạo thông qua nền kinh tế số; điều hướng hệ thống cung ứng của châu Á và thị trường sản xuất trong thế giới hậu COVID-19; cùng nhau hợp tác để hướng tới mục tiêu giúp đỡ các doanh nghiệp cũng như các tập đoàn Việt Nam đạt được những tiềm năng thương mại toàn cầu và những cơ hội mới để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Việt Nam...