Tham dự có khoảng 100 đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương, các tỉnh tham gia dự án, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân.
Phát biểu khai mạc, bà Phan Thị Vân, Giám đốc Chương trình IDH Việt Nam cho biết, Tây Nguyên chiếm khoảng 60% diện tích trồng tiêu cả nước với hơn 70.000 ha. Những năm gần đây, việc trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngành hồ tiêu Việt Nam phải đối mặt với việc mất khả năng cạnh tranh quốc tế về chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến sinh kế của các hộ nông dân trồng tiêu. Nguyên nhân chính do việc sử dụng không đúng cách các hóa chất nông nghiệp, quy trình canh tác thiếu bền vững, thiếu thông tin cập nhật về xu hướng và yêu cầu mới từ thị trường.
Dự án "Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam" do Liên minh châu Âu và tổ chức IDH tài trợ, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023 tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được những lợi ích từ các cam kết thương mại song phương, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Việt Nam sang EU. Tổ chức IDH cam kết tiếp tục hỗ trợ ngành hồ tiêu Việt Nam phát triền bền vững, tăng cường sự tham gia đầu tư của khối công, khối tư để nhân rộng kết quả của dự án; xây dựng, triển khai chương trình tập trung quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện sinh kế của người dân; hỗ trợ ngành gia vị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường về các vấn đề xã hội và môi trường.
Thông qua dự án, gần 8.000 hộ nông dân được nâng cao kiến thức và thực hành sản xuất nông nghiệp xanh theo các tiêu chuẩn trên diện tích 8.500 ha. Qua 3 năm triển khai, dự án đạt được một số kết quả như tăng 60% khối lượng hạt tiêu tuân thủ các yêu cầu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của thị trường cao cấp; 50% đại lý thuốc bảo vệ thực vật ký cam kết tuân thủ các quy định về quản lý thuốc. Ngoài ra, dự án đã góp phần giảm 98% việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm; huy động 12 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam tham gia vào dự án; 14 đội dịch vụ nông nghiệp được thành lập nhằm cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tư vấn và giám sát việc sử dụng hóa chất có trách nhiệm…
Tại buổi tổng kết, các đại biểu đã thảo luận về các tác động của dự án trong việc thay đổi thực hành canh tác sản xuất hồ tiêu bền vững, kết quả, bài học kinh nghiệm, kế hoạch nhân rộng dự án. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đánh giá cao dự án, đã tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn 6 huyện của 3 tỉnh Tây Nguyên sản xuất hồ tiêu bền vững. Sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững là xu hướng tất yếu của thị trường hiện nay, đòi hỏi các cấp, ngành cùng người dân cần thay đổi và phát triển đồng bộ. Tỉnh Đắk Lắk mong muốn, thời gian tới, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức IDH cùng các cơ quan, đơn vị tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu đạt chứng nhận theo yêu cầu của thị trường; tạo điều kiện cho những ngành hàng nông sản khác của địa phương được tiếp cận các dự án, từ đó gia tăng lợi nhuận và phát triển kinh tế bền vững. Tỉnh Đắk Lắk luôn hỗ trợ, đồng hành cùng các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển nông sản theo hướng bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân, nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Trước đó, ngày 19 - 20/11, đại diện Phái đoàn Liên minh EU tại Việt Nam, Tổ chức IDH, các đối tác đã đi thăm vùng dự án tại huyện Cư M’Gar và nhà máy chế biến hồ tiêu của Công ty TNHH MTV Một thành viên Xuất, nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk.