Thúc đẩy thanh toán điện tử

Thanh toán điện tử (TTĐT) là một phần hạ tầng quan trọng của thương mại điện tử (TMĐT). Thế nhưng, theo báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2013, tỷ lệ thanh toán trực tuyến cho các đơn hàng chỉ chiếm 19% trên tổng số 72 triệu thẻ AMT được phát hành, những thanh toán còn lại vẫn chủ yếu là giao dịch bằng tiền mặt (COD) khi nhận hàng.

Nhiều rào cản về hạ tầng và dịch vụ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ thanh toán điện tử thấp là do người tiêu dùng vẫn lo ngại chất lượng hàng hóa mua qua TMĐT. Khảo sát của Cục TMĐT về mua sắm trên mạng cho thấy, 77% người tiêu dùng phản ánh là chất lượng sản phẩm ngoài thực tế và trên mạng không giống nhau, đây là trở ngại chính khiến người tiêu dụng ngại mua hàng trên mạng; % cho rằng dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu; 20% là giá cả trên mạng không thấp hơn so với thị trường bên ngoài… Bản thân các DN cũng gặp khó khăn do các nguyên nhân trên, đặc biệt là chi phí dịch vụ vận chuyển cao nên không cạnh tranh với bán hàng trực tiếp. Mặt khác, do dịch vụ vận chuyển không đạt yêu cầu, thời gian vận chuyện chậm trễ và phương thức đóng gói còn hạn chế nên đã chưa thực sự chiếm được lòng tin với khách hàng.

Tỷ lệ thanh toán điện tử hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn.


Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng TMĐT thực sự có tiềm năng lớn do nhu cầu mua sắm trực tuyến rất cao. Thống kê của Cục TMĐT và CNTT cho thấy, doanh thu bán lẻ trên mạng năm 2013 đạt 2,2 tỷ USD. Năm 2015 dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD và 2020 sẽ đạt mức 2 con số. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thiết lập được Hệ thống TTĐT liên ngân hàng, kết nối 66 đơn vị thành viên thuộc NHNN và 463 đơn vị thành viên trực tiếp thuộc 94 tổ chức tín dụng thành viên trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu thanh, quyết toán tức thời, tạo điều kiện thúc đẩy TMĐT trong nước phát triển.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phát Vĩnh Lợi, Trưởng văn phòng Công ty cổ phẩn Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknet.vn) tại TP Hồ Chí Minh cho hay, một nguyên nhân khác nữa dẫn đến TTĐT thấp là do lượng người đăng kí sử dụng giao dịch trực tuyến tại ngân hàng rất ít. Thực tế, 72 triệu thẻ ATM phát hành của 50 ngân hàng, chỉ có 50% là có người sử dụng thực. Trong đó, chỉ có 10% là đăng kí giao dịch trực tuyến, chiếm khoảng 3 triệu thẻ ATM. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng TTĐT và TMĐT cũng còn nhiều rủi ro và hạn chế. Do vậy, chưa thúc đẩy được người tiêu dùng an tâm TTĐT.

“Không ít trường hợp khi phát sinh vấn đề trục trặc trong khâu thanh toán điện tử, khách hàng không biết kêu ai vì sự việc sẽ được “chuyền qua chuyền lại” giữa các ngân hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian, dẫn đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ chưa được giải quyết thỏa đáng”, ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Banknetvn bức xúc cho biết. “Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có sự cạnh tranh nhau khi triển khai TTĐT. Đặc biệt là thẻ nội địa, khi tôi dùng thanh toán tại nhiều điểm giao dịch thì máy không chấp nhận thẻ, hỏi thì nhân viên ở đây không biết, nhưng khi dùng thẻ Visa hay Debit thì được chấp nhận”, ông Dũng dẫn chứng.

Gia tăng tiện ích cho người sử dụng

Trước những rào cản trên, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần hoàn thiện và phát triển hơn các phương thức truyền thống, đồng thời đa dạng hơn các dịch vụ và phương thức TTĐT.

Theo ông Bùi Quang Tiên, ngoài TMĐT là nền tảng quan trọng cho TTĐT, việc hoàn thiện hạ tầng cơ bản các mảng dịch vụ tiện ích về hành chính công, dịch vụ công ích… cũng là một trong phương thức để thúc đẩy TTĐT phát triển. Đây là các dịch vụ mang tính chiến lược lâu dài, đem lại lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lớn và chưa mang lại nhiều lợi nhuận nên ít được các doanh nghiệp quan tâm. Ngoài ra, hóa đơn điện tử cũng là một mảng dịch vụ đang được cơ quan chức năng quan tâm. Bởi với các doanh nghiệp bán hàng qua mạng, việc xuất hóa đơn điện tử sau khi khách hàng thanh toán trực tuyến sẽ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như hỗ trợ tốt cho các cơ quan chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thuế, giao dịch điện tử.

Theo các doanh nghiệp, việc đẩy mạnh TTĐT trên thiết bị di động cũng cần được quan tâm do số lượng người sử dụng smartphone ngày càng tăng nhanh. Theo đó, từ tháng 8/2014, 5 ngân hàng đầu tiên được NHNN chấp thuận cho triển khai dịch vụ thanh toán thẻ qua POS trên thiết bị di động (mPOS), giúp các thao tác thanh toán giao dịch hàng hóa, quản lý hóa đơn, công nợ dễ dàng hơn. Với mPOS, doanh nghiệp chỉ cần sử dụng một thiết bị đọc thẻ di động (có chức năng như một máy POS, có kích thước nhỏ gọn) gắn vào smartphone là có thể chấp nhận thanh toán bằng thẻ của khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi (áp dụng với cả thẻ quốc tế MasterCard, Visa). So với các điểm đặt máy POS truyền thống như siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại, hình thức mPOS còn phù hợp và tiện lợi hơn cho các DN cung cấp dịch vụ giao hàng, thu phí tận nơi, cửa hàng bán đồ ăn nhanh, đại lý vé máy bay, hãng taxi…

Ngoài ra, việc xử lý kết nối liên thông hệ thống POS và phát triển thanh toán thẻ qua POS cũng cần được các NHNN chú trọng để tạo ra các tiện ích và giá trị lớn hơn cho người sử dụng thẻ, góp phần giảm tải hệ thống ATM của từng ngân hàng. Chưa kể, việc triển khai các dịch vụ thu hộ tiền điện, nước, cước viễn thông, truyền hình cáp, mua xăng dầu, phí bảo hiểm và một số khoản thu khác như học phí, phí giao thông không dừng, thanh toán mua hàng trực tuyến... qua tài khoản, giảm dần việc nhân viên các tổ chức cung ứng dịch vụ phải trực tiếp thu bằng tiền mặt cũng đang được các ngân hàng đầu tư.

Ông Bùi Quang Tiên cho biết, hiện các ngân hàng đã và đang chủ động, tích cực tiếp cận các doanh nghiệp để cung cấp thông tin về đặc điểm và tiện ích của từng loại phương tiện, dịch vụ thanh toán kinh doanh điện tử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc mở tài khoản và tiếp cận các dịch vụ thanh toán. Đến nay, đối với các khách hàng lớn của ngân hàng là doanh nghiệp, tổ chức, khoảng trên 98% các giao dịch thanh toán bằng phương thức chuyển khoản đã được thực hiện qua ngân hàng.

Với những người chưa có tài khoản tại ngân hàng, vẫn có thể tiếp cận được TTĐT. Hiện nay, NHNN đã cho phép một số tổ chức không phải là ngân hàng thực hiện thí điểm dịch vụ Ví điện tử, cổng thanh toán điện tử... thông qua các ngân hàng. Các dịch vụ, sản phẩm thanh toán mới này đang dần đi vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bài và ảnh: Hải Yên
Hợp tác phát triển công cụ thanh toán điện tử SohaPay

Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển dịch vụ cổng thanh toán điện tử SohaPay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN