Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp, việc tiêu thụ các loại nông sản của tỉnh như lúa, thanh long, chanh, mít… đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; trong đó, mặt hàng thanh long giảm giá mạnh và tiêu thụ khó khăn nhất. Sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được của Long An từ cuối tháng 1 đến nay khoảng 30.000 tấn.
Bên cạnh đó, còn có gần 60.000 tấn thanh long sẽ thu hoạch trong tháng 2 và gần 32.000 tấn thu hoạch trong tháng 3 tới. Thị trường xuất khẩu thanh long chủ yếu là Trung Quốc với khoảng 80%, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV nên các cơ sở thu mua trên địa bàn hiện không thu mua hoặc mua thanh long với giá rất thấp do không xuất khẩu được. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân.
Tỉnh Long An kiến nghị cấp có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ tiền điện chạy kho lạnh đến cuối tháng 3, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp thu mua, bảo quản và xuất khẩu nông sản với lãi suất ưu đãi trong vòng 6 tháng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể thu mua thanh long cho nông dân.
Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thành lập trung tâm phân phối nông sản tại Trung Quốc làm đầu mối giao dịch với doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế rủi ro; có phương án liên kết các tỉnh để sắp xếp mùa vụ thanh long nhằm tránh việc sản lượng tăng mạnh làm giảm giá sản phẩm… Các bộ, ngành tiếp tục khảo sát, tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản khác ngoài Trung Quốc để tránh bị động khi thị trường gặp khó khăn hoặc bị đóng cửa…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình hình tiêu thụ nông sản hiện nay khá khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh nCoV. Hiện vẫn còn nhiều xe hàng đang ách tắc tại các cửa khẩu với Trung Quốc chưa thể thông quan. Trước tình hình đó, Bộ cùng các đơn vị liên quan và các địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cấp bách, quyết liệt để giải quyết khó khăn trước mắt. Trong đó tích cực làm việc với cơ quan chuyên môn phía Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu; phối hợp với các doanh nghiệp để xúc tiến tiêu thụ trong nước.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Long An cùng các địa phương liên quan phải rà soát lại việc sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ.
Ngoài việc chú trọng xuất khẩu, tỉnh cần chú ý hơn nữa đến thị trường trong nước với gần 100 triệu dân có thể góp phần tiêu thụ nông sản bền vững. Người nông dân, doanh nghiệp sản xuất cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên trường quốc tế.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đến thăm nhà máy chế biến nông sản của công ty Lavifood và công ty Nafood. Đồng thời chứng kiến việc ký biên bản cam kết đồng hành cùng người nông dân và nông nghiệp Việt Nam của nhiều doanh nghiệp, tổ chức như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Chuỗi siêu thị Co.op Mart, Quỹ Khởi nghiệp Xanh, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavifood…